VOH có phỏng vấn ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, liên quan đến kế hoạch mở cửa nền kinh tế, cũng như vấn đề chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho người dân sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới.
*VOH: Thưa ông, song song với việc chống dịch thì việc giữ vững và phát triển kinh tế thành phố trong thời gian tới là điều hết sức cần thiết. Ông cho biết về kế hoạch mở cửa nền kinh tế trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Phan Văn Mãi: Chúng tôi muốn khẳng định là việc mở cửa lại nền kinh tế thành phố là 1 yêu cầu có thật và cũng là 1 yêu cầu rất là cấp thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải có 1 kế hoạch thật là cụ thể, phải có lộ trình và việc mở cửa này cũng phải từng bước phù hợp với kết quả phòng chống dịch. Trong phát biểu nhận nhiệm vụ của mình, tôi có nói là sẽ chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng thành phố nghiên cứu hoàn thiện các kế hoạch thật cụ thể để ứng phó hiệu quả với tình hình dịch bệnh trong điều kiện hiện nay để khôi phục và phát triển kinh tế phù hợp với tình hình là dịch sẽ còn kéo dài và phức tạp.
*VOH: Thưa ông, như vậy theo kế hoạch thì 15/9 này thành phố sẽ kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, vậy kế hoạch phát triển kinh tế có thể thực hiện từ ngày 15/9 không thưa ông?
Ông Phan Văn Mãi: Khi nói đến 15/9 là kiểm soát được dịch bệnh, không có nghĩa là đến đó hết, nhưng có thể có những tiêu chí đo lường như thế này, tới đó số ca nhiễm bắt đầu giảm dần. Điều thứ 2 là số ca cần đưa vào điều trị bằng hoặc nhỏ hơn với số giường năng lực điều trị của chúng ta, hay là số ca tử vong sẽ giảm, hay là vùng xanh được mở rộng lên và vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng giảm đi. Đó là những tiêu chí mà chúng ta có thể đo lường là đến 15/9 là chúng ta có thể kiểm soát dịch. Chứ không phải đến 15/9 là không còn dịch nữa, mà chúng ta phải thấy là tình hình này sẽ còn kéo dài, có thể là cuối năm, thậm chí là sang đến năm 2022 như kinh nghiệm mà chúng ta thấy, như Mỹ, các nước Châu Âu và các nước ở Châu Á, ngay khi thực hiện các biện pháp rất quyết liệt, rất đồng bộ, tỷ lệ tiêm vắc xin cao hơn nhưng khi diễn biến của chủng Delta này phức tạp thì tình hình đang diễn biến cũng rất phức tạp.
Thứ 3 là sẽ mở cửa như thế nào? Trong nay mai sẽ thành lập 1 bộ phận xây dựng kế hoạch này rất là cụ thể, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước và ngoài nước, để có kế hoạch bổ sung các biện pháp từ đây tới 15/9 và đồng thời có kế hoạch sau 15/9. Sẽ tính toán, tùy theo tình hình dịch mà chúng ta sẽ mở cửa nền kinh tế, các hoạt động sản xuất, dịch vụ mở cửa từng phần, trên nguyên tắc an toàn. Theo đó những ngành thiết yếu chúng ta phải có biện pháp an toàn để duy trì và mở rộng các ngành thiết yếu; những ngành quan trọng sẽ có biện pháp an toàn để duy trì và mở rộng sản xuất các ngành quan trọng; những vùng được gọi là vùng xanh, vùng an toàn thì sẽ tiến hành các hoạt động tương đối và sẽ rộng hơn. Ở những nơi mà các doanh nghiệp hay người dân có những sáng kiến mà đảm bảo được các hoạt động sản xuất, hoạt động dịch vụ mà an toàn thì sẽ được mở ra.
Với tinh thần như vậy cộng với ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi cũng đang cho nghiên cứu một chương trình quản lý cá nhân từng người, thứ 2 là quản lý các hoạt động di chuyển, hoạt động sản xuất, hoạt động dịch vụ và thứ 3 là quản lý các điểm đến hay là các nhà máy, xí nghiệp nếu như đảm bảo được an toàn, tức là mỗi người chúng ta được tiêm vắc xin, không có dấu hiệu bị nhiễm thì được xem là cá nhân an toàn và hành trình di chuyển của chúng ta nếu như hành trình đó an toàn, điểm đến đó an toàn, thì như vậy chúng ta có cá nhân an toàn, hành trình an toàn, lúc đó chúng ta sẽ tổ chức được các hoạt động an toàn hoạt động sản xuất và hoạt động dịch vụ.
Đó là những ý định mà chúng tôi tập trung xây dựng thành kế hoạch cụ thể để chuẩn bị lâu dài cho thành phố. Với tinh thần là chúng ta sẽ nỗ lực các biện pháp giãn cách, xét nghiệm, tiêm vắc xin, cộng với các nỗ lực trị bệnh, dùng thuốc, can thiệp kịp thời sớm nhất cấp cứu để làm sao chúng ta có được cơ sở để đảm bảo an toàn thì chúng ta sẽ mở dần dần ra.
*VOH: Thưa ông, về vấn đề chăm lo đời sống, an sinh xã hội cho người dân sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian tới?
Ông Phan Văn Mãi: Về an sinh xã hội thì đây là vấn đề hết sức lo lắng, đồng chí Bí thư thành ùy, đồng chí Chủ tịch HĐND thành phố cũng đã có phát biểu rất nhiều và Uỷ ban cũng đã có trình bày trong các tờ trình của mình. Khi thực hiện giãn cách “ai ở đâu ở đó” tức là ở nhà trong 14 ngày thì các nhu cầu sinh hoạt cơ bản tối thiểu, nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc men, và các nhu cầu khác thì việc này thành phố cũng đã xác định đây là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên với thành phố trên 10 triệu dân thì việc này rất khó khăn.
Trước hết là sẽ rà soát lại các chính sách, các việc đã có... hiện triển khai tới đâu. Kiểm tra để đảm bảo có chủ trương, chính sách rồi thì đảm bảo thực hiện ngay, những cơ sở nào còn tồn đọng thì triển khai khẩn trương.
Chúng tôi đánh giá sau ngày 25 là tình hình sẽ khó khăn. Cái thứ 2 chúng tôi sẽ rà soát lại xem việc ban hành như vậy thì các đối tượng, các chính sách này còn thiếu gì không? Nếu có thì bổ sung. Và theo tinh thần là chính phủ cũng đồng ý, trong lúc khó khăn này thì cần nhất, nhanh nhất có thể là chúng ta hỗ trợ cho nhu cầu của bà con. Chúng tôi sẽ thông báo các chính sách này để cho bà con biết để ai chưa được thì liên hệ hoặc là thông qua giám sát của hội đồng nhân dân, giám sát của mặt trận và giám sát của người dân, nhắc nhở để các cấp chính quyền thực hiện cho tốt.
Về an sinh xã hội thì tinh thần là khẩn trương tiếp nhận các nguồn lực từ ngân sách, từ trung ương, của thành phố cũng như đón nhận sự giúp đỡ của cả nước, của các tỉnh thành, sự vận động trong cộng đồng của bà con với nhau để giúp, để làm sao đảm bảo được an sinh xã hội tốt nhất cho bà con. Rất mong sẽ có sự đồng lòng, chung sức cùng thành phố để vượt qua khó khăn trong thời gian trước mắt để xây dựng và phát triển thành phố xứng tầm với vị thế của mình.
*VOH: Cám ơn ông!