Tại tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020 diễn ra sáng nay 5/5 do UBND thành phố tổ chức, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, năm 2020, thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng kinh tế thành phố. TPHCM chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế là 0,42% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế, dẫn dắt kinh tế vùng và cả nước, Thành phố luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả nước, trung bình từ 1,1-1,2 lần trong thời gian dài. Sự tăng trưởng chậm lại của thành phố sẽ có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước, vì vậy tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để phát triển kinh tế thành phố là mệnh lệnh làm ngay trong bối cảnh hiện nay để vực dậy sự phát triển kinh tế của thành phố.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, đối với hoạt động của doanh nghiệp, bên cạnh hoạt động tự thân vượt qua dịch Covid-19, sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là rất quan trọng, nếu chậm trễ sẽ làm cho doanh nghiệp đi đến khó khăn và phá sản, kéo theo nhiều hệ lụy như: tăng tỉ lệ thất nghiệp, tạo gánh nặng về an sinh xã hội và gia tăng tội phạm…
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, qua tọa đàm này, lãnh đạo thành phố mong muốn lắng nghe các tham vấn, kế sách từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giúp lãnh đạo thành phố đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực kinh tế từng bước vượt qua khó khăn:
“Thành phố đang đối diện với những vấn đề thách thức đang nổi lên, rất cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và các nhà khoa học. Một là vấn đề kinh tế số trong cuộc cách mạng 4.0. Hai là thị trường xuất nhập khẩu phải làm gì khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng. Ba là làm sao để vực dậy sức mua của thị trường nội địa khi người dân đã nhìn nhận lại hành vi tiêu dùng do tâm lý lo sợ kéo dài, hoặc có nên mở cửa để phát triển du lịch quốc tế thời điểm nào là thích hợp, giải pháp nào hiệu quả và phù hợp nhất để đảm bảo ổn định kinh tế, ổn định công ăn việc làm trong điều kiện thực hiện mục tiêu kép như hiện nay”.
Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch – thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, chỉ số tăng trưởng của thành phố, tính từ đổi mới đến giờ, chưa bao giờ thành phố suy giảm thế này. Nếu điểm lại các giai đoạn, thời điểm 1997-1999, khủng hoảng tài chính đã kéo thành phố đi xuống. Năm 2000 khi có Luật Doanh nghiệp mới, thành phố đã phát triển vượt bậc. Năm 2008-2011, khủng hoảng, kinh tế thành phố đã giảm sút.
Theo Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch, đó là thời điểm mà nếu không nhận thức được sẽ không nắm bắt được thời cơ. Chúng ta không thể phục hồi kinh tế một cách bình thường, mà cần triển khai, bổ sung 4 nhóm giải pháp Chính phủ đang thực thi và đang làm. Cùng với đó, về an sinh xã hội, 62 ngàn tỷ đồng, theo ông, nếu thành phố bổ sung thêm, đây là gói kích thích tổng cầu tăng rất lớn, có liên quan đến chi tiêu công:
“Chúng ta làm sao kiến nghị Chính phủ cho thành phố ban hành một quy trình giải ngân đầu tư, hiện đang bị vướng với nhau chồng chéo. Tuy quyết định đó, quy trình đó hợp tình, chưa hợp lý nhưng công khai minh bạch để thực thi”.
Đề cập đến việc tái hoạt động trở lại của doanh nghiệp, Giáo sư Tiến sĩ Hồ Đức Hùng – Đại học Kinh tế TPHCM đề xuất một số giải pháp: Tập trung khôi phục khai thác những sản phẩm tại thị trường hiện có có giá trị nội địa, thay đổi về phương thức kinh doanh, tập trung khai thác thị trường nội địa…
“Đánh giá mức độ thiệt hại, về doanh thu, thất thu ngân sách, tập trung vào ở những khu vực thương mại dịch vụ, du lịch, nhóm ngành công nghiệp có khả năng chiếm tỉ trọng lớn để chúng ta có bảng khảo sát nhanh phục vụ cho gói hỗ trợ, Giải pháp là tái cấu trúc lại hoạt động kinh tế thành phố. Tái cấu trúc lại định hướng về thị trường, đặc biệt thị trường trong nước”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề xuất 10 giải pháp phục hồi kinh tế cho TPHCM
Phân tích tình hình dịch của các nước trên thế giới và Việt Nam, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề xuất 10 giải pháp phục hồi kinh tế cho TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong đó, Bí thư nhấn mạnh đến giải pháp phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh, và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới. Trong đó có thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, doanh nghiệp, trường học, cộng đồng, dịch vụ...; Phát hiện, kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19.
Song song đó, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp bằng các biện pháp: Hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động vào tháng 5, 6/2020; Hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; Hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhắm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.
Trong đó, Bí thư nhấn mạnh việc nên hỗ trợ bằng phương thức hậu kiểm để rút ngắn tối đa thời gian giao kinh phí hỗ trợ, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh: “Hỗ trợ khuyến khích thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương. Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại và du lịch để mở cửa kinh tế với các nước vào từng thời điểm phù hợp từ tháng 5 đến tháng 12.
Các nước đều muốn mở cửa nhưng mình phải thận trọng, họ phải đảm bảo tiêu chí thì mới được. Nên làm và làm từng bước. Ngắn hạn trong ASEAN 5, 6 nước là có thể mở cửa giao lưu lại".