Thị trường “sức khỏe số” toàn cầu có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức gần 28%

(VOH) - Chuyển đổi số trong y tế và chăm sóc sức khỏe đang là xu hướng mạnh mẽ, có tác động lớn đến các tổ chức và cả bộ máy quản lý nhà nước.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại sự kiện “Hệ sinh thái y tế số: Sản phẩm và ứng dụng thực tiễn” được tổ chức sáng 24/5 tại Saigon Innovation Hub thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

Để dịch vụ y tế ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dân, các ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới đang tìm cách xây dựng thị trường. Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành và khám chữa bệnh của các bệnh viện là vô cùng cần thiết, là bước chuyển quan trọng hướng đến nền y tế thông minh.  

 chuyển đổi số
Các chuyên gia chia sẻ giải pháp chuyển đổi số trong y tế và chăm sóc sức khỏe

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO của Saigon Innovation Hub cho biết, năm 2020, trên thế giới, có hơn 6.000 công ty khởi nghiệp và 40 kỳ lân thuộc lĩnh vực công nghệ y tế. Thị trường “sức khỏe số” toàn cầu có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức gần 28% từ năm 2020 đến năm 2027.

“Thông qua công cụ số chia sẻ điều kiện y tế tốt nhất đến người nghèo. Người nghèo Việt Nam ở trong điều kiện bất lợi khó có cơ hội tiếp cận cơ hội chăm sóc sức khỏe, thì công nghệ số tạo ra đột phá trong chăm sóc sức khỏe, mang đến những nơi bất lợi nhất. Đó là mong muốn của chúng tôi” - ông Huỳnh Kim Tước nói.

Chia sẻ về mô hình bác sĩ gia đình, đây là mô hình dịch vụ, đóng góp đáng kể vào việc củng cố và làm mạnh hơn hệ thống y tế công cộng và y tế dự phòng và là chủ trương lớn của ngành y tế Việt Nam hiện nay.

Ông Vũ Thái Hà, Giám đốc vận hành của eDoctor khẳng định, bằng việc ứng dụng công nghệ, rút ngắn khoảng cách giữa bác sĩ và người bệnh. Công nghệ sẽ đem bác sĩ gia đình đến từng nhà một cách hiệu quả.

Ông Hà cho hay: “Bên cạnh việc người dân có một thiết bị di động để giúp bác sĩ vừa theo dõi tình trạng sức khỏe của mình liên tục, đồng thời phục vụ cho việc thăm khám của bác sĩ. Mô hình này, ở phía doanh nghiệp cũng có thể làm được một phòng y tế từ xa, phòng khám gia đình, bao gồm: kết nối các thiết bị phòng khám từ xa cho đội ngũ vận hành về phòng khám, bệnh viện, có thể thông suốt liên lạc này, tuân thủ theo quy phạm của khám chữa bệnh”.

Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định, với sự tiến bộ của công nghệ cũng như đòi hỏi lớn từ phía bệnh nhân, chúng ta luôn cần có những giải pháp mới cho y tế. Trước hết, hoàn thiện hệ thống dữ liệu để đưa các mô hình chăm sóc sức khỏe đến được mọi ngóc ngách.

Đây là điều cần thiết giúp bác sĩ sàng lọc bệnh nhân, cũng là yếu tố sống còn với bệnh nhân và cần gấp rút triển khai cho ngành y tế. Do đó, cần sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống chuyển đổi số trong ngành y tế.

Dẫn chứng mô hình hay tại Singapore, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng cho hay: “Ngành y tế của Singapore áp dụng mô hình hình bầu dục oval, tức là có một đầu đông và một đầu tây. Đầu tiên, đầu đông phát triển trước, sau đó đầu kia cũng phát triển theo. Các bệnh viện đều phát triển theo chuẩn quốc tế, 3 năm thẩm định 1 lần, tốn cả trăm ngàn đô la Mỹ. Bù lại, người dân thoải mái lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Sau đó, quốc gia này cho ra đời tiếp mô hình tư nhân, cạnh tranh với tư nhân và nhà nước. Đây là tất yếu và động lực rất tốt để các dịch vụ y tế ngày càng phát triển và cạnh tranh lành mạnh”.

Dịp này, Ban tổ chức cũng công bố quyết định chính thức về việc thành lập Câu lạc bộ Y tế số.