Chiều ngày 1/11, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 11/2022, Chủ tịch UBND TPHCM – Phan Văn Mãi cho biết, năm 2022 xác định là năm phục hồi, năm 2023 tăng tốc phát triển. Chúng ta đang có những vấn đề của thành phố, vấn đề chung của thế giới, của kinh tế cả nước thì nó đã rõ rồi, nhưng có những vấn đề của TPHCM thì chúng ta cũng cần phải phân tích, phải dự báo và có giải pháp để xử lý tình huống chủ động, mà phải hiệu quả.
Sáng nay thì là tình hình cung ứng xăng ở các cửa hàng xăng dầu, rồi tình hình hoạt động của một số chi nhánh ngân hàng có liên quan tới SCB, và tình hình khác cũng tạo áp lực cho hoạt động của ngân hàng.
Hoạt động cung ứng xăng thì cũng có tác động lan tỏa nhất định, đó là tính chất đặc trưng của TPHCM. Cần phân tích, dự báo và có những giải pháp trước mắt xử lý tình huống và giải pháp lâu dài” - Chủ tịch TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Báo cáo về tình hình cung ứng xăng trong những ngày qua thiếu hụt, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhìn nhận, tính đến 12 giờ hôm ngày 1/11, có 108 cửa hàng thiếu xăng dù vẫn mở cửa phục vụ khách.
Toàn TPHCM có 540 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó 4 cửa hàng đang xin ngưng để sửa chữa và làm thủ tục đóng cửa. TPHCM hiện có 108/540 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang thiếu xăng, chiếm khoảng 20% số cây xăng toàn thành phố, chủ yếu ở quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, Củ Chi.
Về giải pháp, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho hay: “TPHCM đã huy động các đơn vị có lượng nhập và phân phối lớn để “gồng gánh” và hiện Petrolimex đã hoạt động 200% công suất để đảm bảo phân phối. Hiện tại, một số huyện Củ Chi, Hóc Môn có hệ thống bán lẻ xăng dầu của thương nhân không kinh doanh theo chuỗi nên gặp khó khăn. Đã vận động đơn vị là choàng gánh, chia sẻ năng lượng với nhau. Hy vọng trong chiều nay sẽ có cải thiện và thời gian tới việc vận hành thị trường xăng dầu sẽ ổn định hơn” - Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết.
Liên quan đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp Thành phố, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố cho biết, 10 tháng năm 2022, TPHCM vẫn dẫn đầu về con số doanh nghiệp thành lập mới và đạt con số là hơn 37.400 doanh nghiệp, thu hút số vốn FDI với hơn 3,4 tỷ đô la Mỹ, đứng đầu cả nước.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, “các lĩnh vực kinh tế Thành phố tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp hàng tháng đang có sự sụt giảm do tác động tiêu cực của nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng, sức mua toàn cầu giảm. Dù vậy, công nghiệp Thành phố - một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm vẫn có sự tăng trưởng tích cực, khẳng định là ngành chủ đạo, có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn so với chỉ số chung của toàn ngành".
Đối với thu chi ngân sách, Sở Tài chính thông tin, đến tháng 10/2022, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt hơn 1,6% so dự toán. Trong năm 2022, TPHCM thúc đẩy chi đầu tư phát triển, do đó, số chi đầu tư phát triển tăng cao so với cùng kỳ, chi thường xuyên giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2022 là 392.790,653 tỷ đồng, đạt hơn 102 % dự toán năm và tăng hơn 22% so cùng kỳ.
Về việc kiểm soát chống thất thu thuế, ông Nguyễn Trần Phú – Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM cho biết: “Sẽ có tăng cường công tác quản lý, kê khai thuế đối với người nộp thuế đảm bảo 100% các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên địa bàn được đưa vào diện quản lý và kê khai thuế.
Liên quan đến công tác thu thuế thì sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra các chuyên đề theo chỉ đạo của Tổng cục thuế và Ban chỉ đạo chống thất thu thuế của thành phố.
Sẽ tăng cường công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế, kiểm tra phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro về hóa đơn nhằm chống gian lận trong hàng thuế giá trị gia tăng.
Sẽ tiếp tục rà soát, chuyển hóa dữ liệu nợ, theo dõi tiến độ triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường trong đất, thu nợ, cưỡng chế nợ kịp thời, đúng đối tượng và đúng quy định”.