Chủ tịch TPHCM: Khu công nghệ cao TPHCM cần kiến tạo ngành mới, có tính đột phá

(VOH) – Sau 20 năm hình thành và phát triển, Khu công nghệ cao TPHCM đã góp phần quan trọng cùng thành phố nâng cao chất lượng tăng trưởng, thu hút đầu tư công nghệ cao, cạnh tranh toàn cầu.

Với quy mô 913 hecta, được thành lập vào ngày 24/10/2002 cách đây 20 năm, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Khu công nghệ cao TPHCM là Khu công nghệ cao quốc gia. Đây là một khu kinh tế kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao, có tính chất đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài. 

Đồng thời, huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và công nghệ cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch TPHCM: Khu công nghệ cao TPHCM cần kiến tạo ngành mới, có tính đột phá 1
Quang cảnh Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khu công nghệ cao TPHCM (2002-2022).

Tính đến thời điểm tháng 6/2022, Khu công nghệ cao TPHCM đã thu hút được 160 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 12 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 51 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn là trên 10 tỷ đô la Mỹ và 109 là các dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đô la Mỹ. Trong các dự án FDI thì có nhiều thương hiệu toàn cầu như Intel của Mỹ, Samsung của Hàn Quốc, NTT của Nhật Bản…  

Tổng kim ngạch xuất khẩu giá trị sản xuất của khu công nghệ cao vẫn tăng và đạt gần 21 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu của Thành phố và dự kiến trong năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao TPHCM sẽ đạt 23 tỷ đô, góp phần quan trọng vào cân đối cán cân khi ngạch xuất nhập khẩu của TPHCM và cả nước. 

Số lao động tại khu công nghệ cao đến nay khoảng đạt khoảng 51.000 người, trong đó số lượng chuyên gia là người lao động nước ngoài khoảng 600 người. 

Về mục tiêu sắp tới, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi – Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài về công nghiệp công nghệ cao. Tiếp đó là hình thành một trung tâm quốc gia về công nghệ cao, hạt nhân, động lực phát triển cho TPHCM và cả nước. 

Liên quan đến việc phát triển khu công nghệ cao TPHCM trong giai đoạn tới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, của khu vực và của TPHCM. Chúng tôi nhận thức rằng, Khu công nghệ cao TPHCM là khu công nghệ cao quốc gia như lời nhắn gửi của Thủ tướng Chính phủ, đó là phải góp phần chiến tạo nên các ngành công nghệ cao của quốc gia không dừng lại TPHCM và khu vực mà phải tập trung hoàn thiện chiến lược khu công nghệ cao TPHCM, phát triển khu công nghệ cao TPHCM, tiệm cận trình độ của các khu công nghệ trên thế giới” - Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết. 

a
Ra mắt trung tâm điều hành thông minh.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Khu Công nghệ cao và những đóng góp rất lớn cho kinh tế Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố - Phan Văn Mãi khẳng định, sau 20 năm hình thành và phát triển, khu công nghệ cao Thành phố đã góp phần quan trọng cùng thành phố thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố về chủ trương, chiến dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa kết quả thu hút đầu tư công nghệ cao đạt cả về số lượng và chất lượng sản phẩm chủ lực, luôn bám sát tiêu chí của một sản phẩm công nghệ cao có tính cạnh tranh toàn cầu. 

Lãnh đạo Thành phố đánh giá, khu công nghệ cao đã xây dựng hoàn chỉnh cơ bản kết cấu hạ tầng và khép kín về giao thông, cấp điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông, internet và một số công trình hạ tầng khác đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư phục vụ sản xuất sản phẩm công nghệ cao và hoạt động chung của khu. 

Đặc biệt, việc hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông đã kết nối giao thông liền mạch với bên ngoài khu công nghệ cao, nhất là cầu Rạch Chiếc. Theo ông Mãi, khu vực cảng Cát Lái và các đường vành đai của thành phố đã có tác động tích cực đến kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố. 

Lãnh đạo Thành phố trân trọng ghi nhận và biểu dương những thành quả đạt được của Khu công nghệ cao TPHCM trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố - Phan Văn Mãi cho rằng, so với mục tiêu ban đầu, chúng ta vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển vườn ươm công nghệ trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cao của đất nước, hấp thụ và chuyển giao công nghệ cao, lan tỏa và đóng góp vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng tỷ lệ nội địa hóa. 

 “Khu công nghệ cao chúng ta có một vị trí, một sứ mạng khác biệt và một động lực cho sự phát triển của cả nước, một năng lực cạnh tranh quốc tế không phải như các khu công nghiệp bình thường khác. Do vậy, chúng ta phải lựa chọn lĩnh vực ngành, đi vào những phân khúc thực sự là công nghệ cao; Huy động nguồn lực để phát triển năng lực khoa học công nghệ nội sinh, tạo hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, tiêu biểu của quốc gia và có năng lực cạnh tranh quốc tế; Tập trung hỗ trợ chuyển đổi số cho các lĩnh vực kinh tế xã hội của thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” – Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, “Những thành tựu mà các khu công nghệ cao nói chung và khu công nghệ cao TPHCM nói riêng đạt được trong 20 năm qua khẳng định sự đúng đắn của chủ trương xây dựng các khu công nghệ cao quốc gia của Đảng ta. Tuy nhiên, theo ông, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong 20 năm qua, Khu công nghệ cao TPHCM đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn nữa, nhất là trong bối cảnh kinh tế xã hội, chính trị thế giới có nhiều biến động…Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cần mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù giúp củng cố, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động công nghệ cao”.