Tại hội thảo “Khu công nghệ cao TPHCM – 20 năm hình thành và phát triển: Bài học kinh nghiệm định hướng phát triển” diễn ra sáng 9/9, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, trải qua 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Khu Công nghệ cao TPHCM đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao. Đồng thời, Khu Công nghệ cao TPHCM được đánh giá là mô hình thành công nhất trong các Khu Công nghệ quốc gia với tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao TPHCM tính đến ngày 30/6/2022 là hơn 10.000 tỷ đồng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, đến cuối tháng 6/2022, Khu Công nghệ cao TPHCM đã thu hút đuợc 160 dự án (còn hiệu lực), trong đó, 70 dự án sản xuất công nghệ cao; 19 dự án dịch vụ công nghệ cao; 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Trong 51 dự án đầu tư nước ngoài FDI, có thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia),...
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là hơn 10 tỷ đô la Mỹ/51 dự án. bình quân vốn đầu tư 198 triệu đô la Mỹ/1 dự án và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương gần 2 tỷ đô la Mỹ/109 dự án. Giải ngân vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp đạt gần 5,6 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 46%.
Hiện nay, Khu Công nghệ cao TPHCM lấp đầy hơn 85% đất thương mại. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hằng năm, năm 2021 đạt gần gần 21 tỷ đô la Mỹ (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TPHCM), dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ đô la Mỹ. Tổng lao động tham gia trong các dự án Khu Công nghệ cao TPHCM tính đến ngày 30/6/2022 là gần 52.000 người, trong đó có hơn 51.000 lao động trong nước và 570 lao động nước ngoài. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng của khu công nghệ cao, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi cũng đề xuất: “TPHCM phải có định vị lại và bản thân Khu Công nghệ cao cũng phải có định vị lại, tức là phải dũng cảm nói “không” với những dự án mà không có lợi cho việc xây dựng năng lực cạnh tranh của TPHCM trong dài hạn, nếu dự án đó không nhắm đến khai thác nguồn nhân lực của TPHCM, không nhắm đến khai thác lợi thế về khoa học công nghệ của TPHCM thì hết sức cân nhắc. Sắp tới nên có sự ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước”.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng ban Khu công nghệ cao TPHCM cũng cho rằng: “Chúng ta biết tất cả các dự án vào khu công nghệ cao phải có trách nhiệm đầu tư tỉ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng doanh thu, bao nhiêu phần trăm con người trong nhà máy phải dành cho hoạt động R&D. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào đây chưa nhiều, các doanh nghiệp FDI chúng ta phải buộc họ tuân thủ điều này”.
Ở góc độ là doanh nghiệp trong nước, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Thủ Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất khẩu Nam Thái Sơn kiến nghị: “Khi tôi vào Khu công nghiệp Cát Lái năm 2000, lúc đó chúng tôi đi đăng ký đất để giải tỏa, di dời mồ mả, và lúc đó quận 2 cần doanh nghiệp về đầu tư thành lập cụm để giải quyết công ăn việc làm; khu công nghiệp Tân Bình cũng vậy: Giải quyết việc cho người lao động và đưa máy móc cũ về sản xuất. Và 20 năm qua, rất nhiều khu công nghiệp đang nằm trong khu dân cư vẫn sử dụng công nghệ thấp. Tôi đề xuất Thành phố nên tập trung tất cả các khu công nghiệp có bộ mặt có diện tích tốt chuyển giao cho Khu công nghệ cao và làm khu công nghệ cao”.
Từ một vùng đất nông nghiệp, phần lớn là ruộng bạc màu, hoang hóa của vùng chiến khu bưng biền của 6 xã (huyện Thủ Đức). Qua 20 năm đã hình thành một Trung tâm Công nghệ cao quốc gia - nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao với sự có mặt của các dự án công nghệ cao trong và ngoài nước – nhất là dự án từ các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới, đã góp phần cải thiện, nâng cao môi trường đầu tư của thành phố, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Đồng thời, hình thành và phát triển một lực lượng năng lực nội sinh về công nghệ cao, có thể đảm nhận các công việc từ chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu triển khai (R&D), đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao, làm cơ sở lan tỏa công nghệ cao ra bên ngoài và hạt nhân xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố.