TPHCM: 600 khách mời tham dự Nhịp cầu ASEAN++

(VOH) - Sự kiện có sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Công Thương và Hội Nữ Doanh nhân Thành Phố Hồ Chí Minh (HAWEE) phối hợp tổ chức.

Ngày 9/9, 600 khách mời đến từ 10 quốc gia ASEAN, gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam; và 5 quốc gia khác, bao gồm: Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham dự Diễn đàn kết nối giao thương “NHỊP CẦU ASEAN++” tại TPHCM. 

TPHCM: 600 khách mời đến từ 10 quốc gia ASEAN tham dự Diễn đàn kết nối giao thương “NHỊP CẦU ASEAN++ 1
Các diễn giả, doanh nghiệp tham gia tọa đàm

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Nữ Doanh Nhân Thành phố Hồ Chí Minh (HAWEE) cho biết, với vai trò đầu tàu kinh tế, TPHCM ý thức rõ vai trò trách nhiệm trong sứ mệnh vực dậy nền kinh tế khủng hoảng sau đại dịch. Kết nối để phát triển bền vững là yếu tố sống còn, sự khởi sắc của một trung tâm kinh tế của quốc gia, phục hồi tăng trưởng và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn là mục tiêu quan trọng nhất của Thành phố nhằm khuyến khích đầu tư giữa các khối ASEAN, tạo nên cơ hội phát triển bền vững giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

“Nhằm đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động và đáp ứng nguồn cung trong và ngoài nước, đây chính là thời điểm để cùng nhau phát triển, tận dụng được các ưu thế của nhau, kinh nghiệm thương hiệu, sản phẩm, thậm chí nguồn khách hàng. Điều này mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường khu vực và quốc tế”, bà Cao Ngọc Dung nhận định.

Kinh tế của Việt Nam đang trên đà hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Với mục tiêu khuyến khích đầu tư giữa các nước trong khối ASEAN, đồng thời thúc đẩy cơ hội giao thương trong và ngoài nước và giao lưu văn hoá giữa các quốc gia ASEAN và trong khu vực châu Á. Với chủ đề: "Kết nối để phát triển bền vững”, diễn đàn sẽ thúc đẩy giao thương giữa các Hiệp hội các nước khu vực ASEAN++, mở rộng các cơ hội, kết nối đa chiều; Tạo điều kiện hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp, phát triển kinh tế khu vực qua hình thức hợp tác kinh doanh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP - Phan Thị Thắng đánh giá, Diễn đàn Nhịp cầu ASEAN++ năm 2022 với chủ đề “Kết nối để phát triển bền vững” có sự tham gia không chỉ các doanh nghiệp hội viên của Hội Nữ doanh nhân Thành phố, còn có các doanh nghiệp lớn có cam kết về bảo vệ môi trường và phát triển xanh, cùng với sự tham gia quý báu của cơ quan ngoại giao, cơ quan xúc tiến thương mại các nước trong khu vực ASEAN++ và hơn 400 doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội để trao đổi, thảo luận kết nối giữa doanh nghiệp Thành phố với các doanh nghiệp trong khu vực thông qua Chương trình “Kết nối giao thương” được tổ chức song song với Diễn đàn này.

Theo bà Thắng, các quốc gia trong khu vực ASEAN++ là đối tác quan trọng của Thành phố trong hoạt động ngoại thương, chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu và 44% kim ngạch nhập khẩu của Thành phố; việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoạt động giao lưu kinh tế giữa các doanh nghiệp trong Khu vực có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện hiệu quả chiến lược hội nhập quốc tế của Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.  

Với vị trí là trung tâm kinh tế của cả nước, trước xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và những tác động tích cực mà nó mang lại, Bà Thắng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung và chủ động thực hiện các giải pháp để phát triển mô hình kinh tế này.

TPHCM với mục tiêu phục hồi kinh tế năm 2022, tốc độ tăng GRDP khoảng 6-6,5%, để đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 8%/năm trong cả kế hoạch 5 năm 2021-2025 đang là thách thức lớn. Việc chuyển đổi năng lượng trong quá trình sản xuất sẽ góp phần không nhỏ trong việc hình thành nền sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam hướng đến nền kinh tế không carbon, nền kinh tế xanh, phát triển nền kinh tế bền vững là mục tiêu phù hợp với quốc tế, là động lực để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài.