Thành lập Trung tâm thiết kế chip tại Khu công nghệ cao TPHCM

(VOH) - Sáng nay 26/8, Khu công nghệ cao TPHCM đã ký kết với Synopsys biên bản ghi nhớ nhằm hỗ trợ phát triển Trung tâm thiết kế chip mới.

Theo biên bản ghi nhớ, Synopsys sẽ hỗ trợ Khu công nghệ cao thành lập trung tâm thiết kế chip thông qua chương trình tài trợ phần mềm. Sự hợp tác này nhằm trau dồi tài năng thiết kế vi mạch tiên tiến và tạo điều kiện phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Khu Công nghệ cao TPHCM
Khu Công nghệ cao TPHCM đã ký kết với Synopsys biên bản ghi nhớ nhằm hỗ trợ phát triển Trung tâm thiết kế chip mới

Thông qua Liên minh học thuật và nghiên cứu của Synopsys, đơn vị sẽ cung cấp Chương trình Phần mềm dành cho trường Đại học, bao gồm Chương trình giảng dạy, tài nguyên giáo dục và chương trình “Đào tạo giảng viên” cho Khu Công nghệ cao TPHCM để thiết lập trung tâm thiết kế chip. Khu Công nghệ cao TPHCM sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thiết lập trung tâm thiết kế chip.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, Synopsys được biết đến với phần mềm thiết kế bán dẫn hàng đầu trong ngành, các giải pháp bảo mật phần mềm và địa chỉ IP. Việc hợp tác với trung tâm thiết kế chip có thể được hưởng lợi từ công nghệ thiết kế đẳng cấp thế giới của công ty bằng cách nuôi dưỡng các nhà thiết kế chip tương lai của Việt Nam với các xu hướng thiết kế mới nhất khi họ còn đang đi học. Sự hợp tác cũng có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.

“Lĩnh vực vi mạch bán dẫn được xác định là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của khu công nghệ cao. Việc thu hút thành công Intel đầu tư tại khu công nghệ cao năm 2006 là cột mốc rất quan trọng đối với Việt Nam.

Chúng ta biết là khi nói đến chuỗi vi mạch bán dẫn, chúng ta sẽ có thiết kế, sản xuất. Khâu thiết kế là yếu tố quan trọng quyết định sự tham gia của chúng ta nằm ở con người, tuy nhiên để hình thành một nhà máy sản xuất vi mạch ở trình độ cao nhất ngày nay không dưới 10 tỷ đô la Mỹ”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi cho biết.

Theo Tiến sĩ Robert Li, Phó Chủ tịch Kinh doanh của Synopsys khu vực Đài Loan và Nam Á, đơn vị sẽ hỗ trợ Khu công nghệ cao TPHCM thành lập trung tâm thiết kế chip với công nghệ tiên tiến của Synopsys và các sáng kiến ​​của chương trình hỗ trợ Đại học. Những năm gần đây, Synopsys đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến cho các đối tác Việt Nam để giúp họ tăng cường năng lực thiết kế vi mạch và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường…

Ở góc độ là nhà khoa học, nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch hơn 30 năm nay, công bố hơn 300 công trình khoa học và sáng tạo mạch điện tử nổi tiếng mà cả thế giới tin dùng, người góp phần quan trọng việc chế tạo “con chíp” điện tử đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam và là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản phong là Giáo sư trong ngành này, Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Lương Mô nhận định: “Tất cả hệ AL, truyền thông, xử lý dữ liệu cũng từ con chip mà ra. Do đó chúng ta là nước lớn, để tiêu tốn cho hệ digital của cả nước này, đây là vấn đề vô cùng lớn, tốn tiền, mà không phải làm một lần là xong, phải luôn nâng cấp, cho nên tự túc được chip ở trong nước là vấn đề vô cùng quan trọng”.

Theo biên bản ghi nhớ, Trung tâm thiết kế chip của Khu Công nghệ cao TPHCM được phép đón tiếp các giảng viên của 3 trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TPHCM là Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Công nghệ Thông tin đến tham dự buổi Tập huấn chương trình đào tạo giảng viên và đồng thời làm công tác đào tạo…Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM đánh giá: “Việc ký kết này là tiền đề để khởi tạo cho một chương trình phát triển vi mạch bán dẫn, trước tiên đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, rút ngắn được khoảng cách trình độ của các kỹ sư tốt nghiệp, hạn chế rủi ro khi doanh nghiệp đầu tư vào nguồn nhân lực công nghệ cao. Trong tương lai, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều các công ty thiết kế vi mạch về chip, tạo ra hệ sinh thái công nghiệp vi mạch trong tương lai”.

Bình luận