Tại sự kiện này, các nhà đầu tư bày tỏ mong muốn TPHCM có những hướng dẫn cụ thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án. Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn được hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đầu tư, thời gian hoạt động của dự án.
Hiện Khu công nghệ cao TPHCM đang kêu gọi đầu tư vào một số dự án bao gồm: Dự án nghiên cứu phát triển - ươm tạo - đào tạo; Dự án sản xuất công nghệ cao - ứng dụng công nghệ cao; Dự án dịch vụ công nghệ cao; Trung tâm quản lý điều hành dịch vụ công nghệ cao; Dự án nhà xưởng thông minh phục vụ các ngành công nghệ 4.0… Về tiêu chí lựa chọn và chính sách ưu đãi, theo Ban quản lý Khu công nghệ cao, doanh nghiệp phải có năng lực quản lý và kinh nghiệm, năng lực tài chính, năng lực ứng dụng công nghệ, hiệu quả kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.
Đối với chính sách ưu đãi, Thành phố sẽ miễn giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm đối với dự án đầu tư mới; Miễn, giảm thuế suất 10% không quá 30 năm; Miễn toàn bộ tiền thuê đất, hoặc miễn từ 18-22 năm, giảm tiền thuê đất từ 55-75% tùy theo quy mô, tính chất của từng dự án; Giảm 50% mức ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư từ 1-3% tổng vốn đầu tư…
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM - cho biết thêm, Ban quản lý Khu công nghệ cao sẽ là đầu mối tiếp nhận và có cơ chế phối hợp với Thành phố Thủ Đức thuộc quy hoạch 1/500 để giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh hơn. Đặc biệt Ban quản lý khu Khu công nghệ cao sẽ đẩy mạnh một cửa liên thông với Thành phố Thủ Đức.
“Hội nghị là dịp để ban quản lý hiến kế, tiếp nhận những hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp đối với hoạt động của Ban quản lý khu công nghệ cao nói chung và hoạt động xúc tiến đầu tư nói riêng nhằm thu hút đúng và trúng các nhà đầu tư tốt nhất, các nhà đầu tư có năng lực để triển khai nhanh, thành công dự án, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển khu công nghệ cao TPHCM trở thành trung tâm kinh tế tri thức, động lực tăng trưởng mới của TPHCM”, ông Nguyễn Anh Thi nhìn nhận.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Cụ thể như Dự án của Onehub Saigon Bund được cấp phép đầu tư vào năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép toàn phần do quá trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 chậm và do việc chuyển giao thẩm quyền giữa Ban quản lý Khu công nghệ cao – UBND quận 9, UBND Thành phố Thủ Đức, nên dự án phải đợi điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của Khu công nghệ cao.
Thêm vào đó, dự án Tuyến Metro số 1 triển khai rất chậm so với dự kiến, ảnh hưởng lớn đến cơ hội kinh doanh của dự án. Ngoài ra, hợp đồng thuê đất của dự án đã hết hạn từ tháng 12/2020 nhưng đến nay vẫn chưa ký được phụ lục gia hạn do phải chờ chỉ đạo của UBND Thành phố về việc bổ sung Quyết định giao đất.
“Chúng tôi mong được triển khai nhanh dự án, có sự hỗ trợ hướng dẫn kịp thời. Đôi khi chúng tôi cũng không biết phải xoay xở xử lý những thủ tục vướng mắc đó như thế nào. Hầu hết các cơ quan đơn vị không cho chúng tôi biết được thời hạn khi nào xong và hỗ trợ nhà đầu tư đối với những vấn đề đó như thế nào”, ông Võ Sỹ Nhân - Tổng Giám đốc Onehub Saigon Bund nêu khó khăn và đề xuất Thành phố tháo gỡ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp. Lãnh đạo Thành phố thừa nhận việc giải quyết các thủ tục đầu tư trong thời gian qua còn chậm. Thời gian tới, ông Mãi cam kết Thành phố sẽ tập trung mạnh mẽ hơn nữa để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Theo đó, sẽ cập nhật lại quy hoạch nhanh hơn, gắn trách nhiệm của các sở, ngành để giải quyết các thủ tục đầu tư. Lãnh đạo Thành phố cũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền thành phố giải quyết các điểm nghẽn để việc tập trung giải quyết các thủ tục nhanh hơn.
“Chúng tôi nhận thấy ngành công nghệ thông tin, dược, những ngành nghiên cứu phát triển; ở những phân khúc như thế, tôi đề nghị khu và các anh chị ở đây sẽ có những góp ý định hướng để Thành phố xác định rõ hơn nữa trọng tâm, từ đó có những khung pháp lý và chính sách để công nghệ cao trở thành một trong 5 trụ cột động lực của Thành phố”, ông Phan Văn Mãi đề nghị.
Khu Công nghệ cao TPHCM được thành lập năm 2002, đến nay, Khu Công nghệ cao đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12 tỷ đô la Mỹ. Trong đó có nhiều dự án của các tập đoàn, công ty công nghệ cao, như: Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)… Các doanh nghiệp không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất tại Khu Công nghệ cao, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Thành phố. Lũy kế tổng giá trị sản xuất công nghệ cao của Khu Công nghệ cao ước đạt hơn 120 tỷ đô la Mỹ, giá trị xuất khẩu đạt hơn 112 tỷ đô la Mỹ, và giá trị nhập khẩu đạt hơn 105 tỷ đô la Mỹ. Lũy kế tổng thu ngân sách ước đạt 1,7 tỷ đô la Mỹ, tăng nhanh trong những năm gần đây do một số dự án đầu tư đã hết thời gian được hưởng ưu đãi.