Để chuẩn bị cho công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định số 2092về phê duyệt chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 – 2030. Cụ thể hơn, TPHCM đã ban hành kế hoạch số 3931 của UBND Thành phố về triển khai chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025, để tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm 06 sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Thành phố.
Đến nay, nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã dần hình thành từng bước áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất của mình.
Tại huyện Củ Chi, thấy rõ nhất là các mô hình trồng lan. Củ Chi được biết tới là vùng đất khô cằn, nắng nóng, tuy nhiên hiện nay đã mọc lên nhiều vườn lan xanh mướt, với nhiều chủng loại hoa lan khác nhau, đem lại thu nhập khả quan cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Bé - Chủ vườn lan Minh Dũng ở huyện Củ Chi cho biết, vườn lan của bà cung cấp ra thị trường khá ổn định, hiện nay ngoài canh tác theo truyền thống, vườn lan của bà cũng có ứng dụng công nghệ tưới, phun nước tự động để đáp ứng tốt cho môi trường trồng lan.
Bà Nguyễn Thị Bé chia sẻ: "Ngày xưa, trồng lan bằng giá thể tầm tre, tầm vông thì bây giờ mình trồng giá thể bằng ống nhựa. Ngày xưa mình kéo dây, mình tưới tay thì bây giờ mình tưới bằng hệ thống phun tự động. Mình tìm hiểu kiến thức khoa học, về cách ngăn ngừa sâu bệnh, rồi dùng hệ thống để lọc nước".
Tại huyện Nhà Bè, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư trong các lĩnh vực trồng nấm bào ngư, nấm mối đen, nhiều hộ nuôi thủy sản đã phát triển mạnh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tuy nhiên cũng gặp những khó khăn nhất định. Hiện nay, về việc thực hiện thí điểm xây dựng ngắn hạn trên đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp đã có cơ chế từ chính quyền, nhưng việc thực hiện cũng còn trở ngại.
Ông Trần Văn Tấn - một hộ nông dân trồng nấm bào ngư ở xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè cho hay: "Muốn xây dựng trại nấm trên đất nông nghiệp thì vướng thủ tục pháp lý. Nói chung là còn khó khăn".
Ngoài khó khăn về pháp lý, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ sản xuất của người nông dân từ cơ quan nhà nước còn gặp nhiều hạn chế. Chính sách có nhưng quy trình, thủ tục, cách tiếp cận còn nhiêu khuê.
Ông Trọng Thuấn - nông dân nuôi tôm ở huyện Cần Giờ bày tỏ sự khó khăn khi muốn nhận được hỗ trợ từ các chính sách nuôi tôm: "Nếu hỗ trợ thì hỗ trợ như thế nào, nếu quy định ao 1000m2 thì nhiều người không có ao 1000m2, chỉ có ao 500m2, 700m2, có những người áp dụng công nghệ cao bây giờ làm chuẩn 1500 m2.
Như tôi, làm 4 ao 1500 m2, nếu có đăng ký cũng không được, vì không có hỗ trợ ao 1500m2, rất khó. Còn nếu đạt tiêu chuẩn hỗ trợ thì gặp đơn vị nào, trực tiếp ai, tìm hoài không biết gặp ai để được hỗ trợ".
Một vấn đề ảnh hưởng đến việc đầu tư của nông dân, doanh nghiệp là chính sách quy hoạch. Hiện nay nhiều khu vực chưa có chính sách quy hoạch rõ ràng gây tâm lý ngại đầu tư. Ông Lê Văn Được – Chủ tịch hội nông dân huyện Cần Giờ trăn trở: "Phần lớn Cần Giờ 80% là rừng và sông, biển, khi phát triển kinh tế gắn với biển thì chúng ta thiếu quy hoạch. Những người nuôi trồng thủy sản ở Cần Giờ hiện nay phát triển rất lớn nhưng việc quy hoạch tổng thể để nông dân dám đầu tư hàng tỷ đồng thì sao? Nông dân vừa làm vừa lo, trăn trở, lo âu khi chưa được quy hoạch".
Có thể thấy, những khó khăn trong bước đầu tiếp cận, chuyển giao ứng dụng thực hiện công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cũng có những trở ngại nhất định.
Để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp không phải là việc làm ngắn hạn. Nhưng với quyết tâm thúc đẩy sản xuất ứng dụng công nghệ cao, thành phố đã chú trọng thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất cho người nông dân nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng, phù hợp với điều kiện nông nghiệp đô thị.