Bài 2 : Đồng hành gỡ khó cho nông dân

(VOH) - Chuyển đổi số hiện được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó nông nghiệp. Làm sao cùng gỡ khó cho nông dân trong chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển nông nghiệp?

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM thì lực lượng sản xuất nông sản tại chỗ của thành phố chỉ tự cung ứng được khoảng 10-15% nhu cầu của thành phố, tùy mặt hàng thì cần 80- 90% từ các tỉnh, thành khác cung ứng về.

Với việc sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống đã dần không mang lại nhiều năng suất như mong đợi. Việc sản xuất còn dựa vào yếu tố thời tiết, trông chờ vào may rủi nên việc phát triển sản phẩm của nhiều nông dân không bền vững, vẫn bấp bênh. Mặc dù đã rất cố gắng trong sản xuất nhưng vẫn còn tình trạng người nông dân miệt mài một nắng hai sương nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Cua hiện nay ở hợp tác xã Vina Nhà Bè cũng có triển khai nghiên cứu nuôi trong hộp, nuôi công nghệ cao nhưng chưa phát triển được mạnh. Năm nay dự kiến đổi không nuôi tôm nữa mà chuyển qua nuôi cá với nuôi cua. Tại vì mình thấy thời gian 1 năm mấy qua,nuôi tôm bấp bênh quá, khó khăn quá, khi nuôi được 1 vụ thì hư 2-3 vụ. Cuối cùng bình quân lại thì nông dân mình nuôi cũng bị thất thoát, không thành công.”, ông Lê Thanh Tùng - một nông dân nuôi tôm ở huyện Nhà Bè chia sẻ.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - xu hướng tất yếu - Đồng hành gỡ khó cho nông dân 1
Nuôi tôm công nghệ cao. Hình minh họa

Trước những khó khăn của người nông dân, các cấp, các ngành của thành phố đã vào cuộc quyết liệt, từ việc sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đào tạo, tập huấn cho người nông dân đến việc kết nối, giới thiệu chuyển giao công nghệ cao, hướng dẫn, kết nối, tìm đầu ra cho người nông dân.

Theo ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm khuyến nông thành phố, hiện nay việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động quản lý sản xuất của người nông dân.

Đối với nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nuôi tôm, 4 yếu tố quan trọng để thành công trong sản xuất, bao gồm: thứ nhất là con giống, thứ 2 là thức ăn cho vật nuôi, thứ 3 là quản lý môi trường nuôi và thứ 4 là quản lý trang trại và hoạt động nuôi.

Do vậy, để hỗ trợ người nông dân trong các yếu tố này, Trung tâm Khuyến nông thành phố thường xuyên tuyên truyền, nghiên cứu, hoàn thiện các tài liệu dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nông nghiệp, tổ chức các hội thảo để kết nối giữa doanh nghiệp và người nông dân để giới thiệu, chuyển giao các công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với nông nghiệp đô thị của thành phố.

“Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp được TPHCM xác định rõ từ trong 5 năm qua. Thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho tất cả sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố để làm cơ sở chuyển giao cho người nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn TPHCM”, ông Văn nói.

Để ứng dụng tốt công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp thì việc cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ cho người nông dân là một nội dung cần được quan tâm và làm thường xuyên.

Theo bà Nguyễn Thị Liễu Kiều - Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp kỹ thuật nông nghiệp thành phố, trong năm 2022 căn cứ vào nhu cầu học nghề của nông dân các quận, huyện và để nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố, trường sẽ phối hợp với các đơn vị mở các lớp đào tạo miễn phí cho người nông dân để từ đó người nông dân tự tin hơn trong việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

“Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp sẽ phối hợp với Hội Nông dân các địa phương tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, các lớp sơ cấp nghề nông nghiệp miễn phí hoàn cho lao động nông thôn về ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình, công nghệ canh tác; chọn tạo giống cây, con có năng suất, chất lượng cao, trong đó tập trung đào tạo về tay nghề.

Kết thúc khóa học, học viên vừa vững kiến thức, vừa giỏi thực hành để vận dụng có hiệu quả vào mô hình sản xuất tại nông hộ góp phần tạo sản phẩm chất lượng cao, cải thiện thu nhập, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích sản xuất đất nông nghiệp đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của nông nghiệp Thành phố như: rau, hoa – cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ, cá cảnh nhằm phát triển nông nghiệp thành phố ngày càng bền vững phù hợp nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị.”,  bà Kiều cho biết thêm.

Nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cho người nông dân, không chỉ các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp, hội nông dân vào cuộc mà các doanh nghiệp cũng tham gia để làm sao cung cấp, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến cho người nông dân.

Hiện nay với việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nuôi tôm thì việc nuôi tôm thành công không còn là chuyện may rủi, đánh cược với thời tiết mà là sự chủ động từ phía người nuôi.

“Yếu tố thời tiết cũng như yếu tố môi trường và dịch bệnh càng ngày càng phức tạp, càng ngày càng khó kiểm soát. Có những thứ dễ kiểm soát hơn mà người nuôi thường ít quan tâm là việc theo dõi chỉ số môi trường, theo dõi nhật ký để có dữ liệu để mà phân tích tính toán thì mình sẽ rút ra được phương pháp để nuôi, vận hành trại nuôi chính xác, nó giảm được rủi ro hơn. Thay vì trước đây người ta nghĩ nuôi tôm là trúng tôm, là đánh cược với thời tiết thì bây giờ mình có hệ thống tự động hóa, quản lý chặt chẽ thì mình sẽ không nghĩ đến chuyện đánh cược nữa.”, ông Trần Duy Phong - Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Tép Bạc, một đơn vị chuyên cung cấp ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản cho biết thêm.

nuôi cua công nghệ cao
Nuôi cua công nghệ cao. Hình minh họa.

Với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, người nông dân sẽ dễ dàng tiếp cận hơn các công nghệ, các ứng dụng chuyển đổi số để từ đó sản xuất hiệu quả và phát triển bền vững. Ông Trương Tiến Triển- Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nhận định:

“Tầm 10 năm trở về trước thì người dân nuôi tôm, nuôi cá chỉ là đào ao rồi nuôi. Nhưng mà khoảng 10 năm trở lại đây thì nuôi thủy sản trên địa bàn huyện đã có 1 bước chuyển mình rất lớn với sự hỗ trợ của các sở ngành của thành phố cũng như các cơ quan chuyên môn. TP từng bước đưa khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất mang lại sản lượng, giá trị gia tăng lớn để đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của huyện.”

Mục tiêu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố trong năm 2022 là thực hiện cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, ngành nông nghiệp thành phố tập trung phát triển nhóm 6 sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Thành phố. Trong đó tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.

Đồng thời, phối hợp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với sự hưởng ứng của người nông dân, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành thì công cuộc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong trong sản xuất nông nghiệp đô thị sẽ ngày càng phát triển bền vững, đáp ứng sản xuất nông nghiệp đô thị khi mà diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.