Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Lệ điều hành chương trình, cùng sự tham dự của Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện và thành phố Thủ Đức.
Trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 1799 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư là 276.116 tỷ đồng. Số dự án có nội dung bồi thường, giải phóng mặt bằng trong giai đoạn này là 725 dự án.
Mặc dù công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và quan trọng hơn là sự đồng thuận của người dân rất cao. Tuy nhiên trên thực tế do đơn giá bồi thường chưa tiếp cận được với giá thị trường nên một số trường hợp người dân không đồng ý, dẫn đến tiến độ triển khai dự án bị chậm.
Ông Võ Trung Trực - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm về cách tính giá bồi thường, hỗ trợ thời gian qua: “Việc xác định giá phù hợp với giá trên thị trường cùng mục đích sử dụng đất đã được chuyển nhượng. Trước khi ban hành chứng thư thu hồi phải thu thập thông tin để xác định giá đất bồi thường phù hợp”.
Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin thêm về quy trình và các thủ tục cần thiết trước khi nhà nước tiến hành thu hồi đất để triển khai các dự án: “Hội đồng bồi thường lập dự án về bồi thường tái định cư, phối hợp phường xã lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng. Niêm yết công khai các dự thảo tại UBND phường, xã thị trấn”.
TPHCM có nhiều nỗ lực trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thời gian qua, nhưng qua thực tế cũng ghi nhận nhiều trường hợp người dân không hợp tác, không đồng tình dẫn đến việc phát sinh khiếu nại, khiếu kiện của người dân có đất bị thu hồi. Một số trường hợp bị giải tỏa toàn phần được bố trí tái định cư tại một nơi khác đã dẫn đến cuộc sống sinh kế của người dân bị thay đổi, xáo trộn. Một số dự án chậm triển khai, không bố trí vốn một lần để chi trả làm kéo dài thời gian thực hiện hoặc một số trường hợp mặc dù người dân được bàn giao nền đất tái định cư nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận…Từ những tồn tại này, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết sẽ tiến hành một số công việc trong thời gian tới để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; “Tập trung góp ý sửa Luật Đất đai, cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Trung ương, đề xuất cơ chế đặc thù để làm sao thu hẹp khoảng cách giữa giá thị trường và giá đền bù đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân”.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao những cố gắng của UBND Thành phố, các sở ngành, quận huyện và thành phố Thủ Đức thời gian qua đã nỗ lực triển khai vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, để các dự án được triển khai đúng tiến độ và đưa vào sử dụng hiệu quả. Về lâu dài Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố yêu cầu UBND Thành phố cần triển khai thêm một số công việc trọng tâm như: thực hiện tốt sự phối hợp của các cơ quan liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư; Tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Đất đai; Thực hiện tốt hơn nữa về công tác nhà nước đất đai, cấp giấy chứng nhận đầy đủ và chính xác.
Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện và cũng đã có nhiều nỗ lực để ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất như bố trí tái định cư. Ngoài ra, thành phố còn thành lập Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để giúp người dân ổn định khi tái định cư tại nơi ở mới.