Theo thông tin từ Sở Công thương thì hiện nay Thành phố có 177/234 chợ đã hoạt động trở lại. Việc cho phép các quán ăn kinh doanh thức uống có cồn là dựa theo các cấp độ dịch và việc kiểm tra giám sát vấn đề này đã giao về UBND các quận huyện, Thành phố Thủ Đức.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng thực phẩm tăng giá
Về vấn đề hiện nay có nhiều mặt hàng tiêu dùng thực phẩm đang có dấu hiệu tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công thương nêu lí do và hướng giải pháp: "Tình hình giá có biến động trên thế giới thì kéo theo tăng giá các mặt hàng là một tất yếu. Bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân khác như chi phí vận chuyển, phòng chống dịch nên có tăng. Để bình ổn giá thì Sở Công thương có chương trình, các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất, sản xuất lại thì hàng hóa sẽ cung cấp đủ ra thị trường. Một số chương trình kích cầu từ đây đến cuối năm thì Sở Công thương cũng sẽ đẩy mạnh như chương trình khuyến mãi, kết nối hàng hóa từ Thành phố đến các tỉnh thành, các chương trình bình ổn giá thì sẽ tiếp tục thực hiện. Sở Công thương có kiến nghị với Bộ Công thương để sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để kéo theo mặt bằng giá cả trở lại giá trong điều kiện bình thường mới".
Tại cuộc họp, Công an TPHCM cho biết đã ban hành văn bản chỉ đạo phân công cụ thể các đơn vị để bảo đảm an toàn cho lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Về việc cấp mã định danh cá nhân thì theo Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó truởng phòng tham mưu Công an Thành phố: người dân nên liên hệ với công an địa phương để lấy mã định danh cho trẻ em chưa đủ tuổi làm căn cước công dân. "Bộ Công an đã cấp toàn bộ mã định danh cá nhân cho người dân, kể cả trẻ mới sinh. Tức là ấn định mỗi công dân đều có một mã định danh cá nhân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Và chỉ đạo công an các địa phương và trực tiếp là công an cấp xã, nơi thường trú là liên hệ và thông báo mã định danh cá nhân đến cho công dân. Mã định danh cá nhân đối với người lớn, người trên 14 tuổi làm Căn cức công dân chính là số căn cước công dân còn với bé nhỏ hơn là thông báo về mã định danh cá nhân. Khi người dân, phụ huynh học sinh muốn nhận được cái thông báo mã định danh cá nhân thì liên hệ công an cấp xã nơi thường trú để nhận thông báo, có thể liên hệ qua cảnh sát khu vực", ông Hà cho biết thêm.
Chuẩn bị 7 kịch bản
Sở Y tế Thành phố cho biết Sở đã chuẩn bị 7 kịch bản cho từng số lượng F0 trong thời gian tới. Về vấn đề các F0 chưa được quan tâm chăm sóc chu đáo, chưa được tiếp cận các gói thuốc điều trị thì theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố, Sở Y tế ngoài việc nhắc nhở chấn chỉnh các trung tâm y tế địa phương cần khéo léo và kịp thời trong chăm sóc bệnh nhân mắc Covid thì cũng đã củng cố lại các lực lượng y tế để hỗ trợ. Bà Mai nói: "Sở Y tế đã làm việc và kích hoạt lại mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Mạng lưới thầy thuốc đồng hành có trên 2.500 bác sĩ, có thể hỗ trợ chăm sóc đến tận phường xã, những bà con ở khu vực trạm y tế phường xã chưa xử lí tốt. Bên cạnh đó chúng ta đã đang duy trì và tiếp tục phát triển đối với hệ thống tổng đài 1022, nhánh số 3, nhánh số 4 để hỗ trợ không chỉ người bị Covid mà ngay cả người không bị Covid để có thể tư vấn sức khỏe kịp thời".
Về vấn đề UBND TPHCM có công văn 3844 chỉ đạo tạm ngừng hoạt động kinh doanh karaoke, spa, vũ trường, massage, quán bar, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố cho biết: chúng ta đang sống làm việc trong bối cảnh dịch còn dễn biến phức tạp khó lường và phải thực hiện theo nguyên tắc: an toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn. Tuy nhiên, những ngày qua, số ca mắc mới vẫn còn cao nên quyết định này của Thành phố là quyết định khó khăn, rất mong bà con và doanh nghiệp thông cảm và đồng thuận. "Theo NQ 3900 ban hành ngày 16/11 cho mọi người dân và doanh nghiệp được hoạt động. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình là diễn biến phức tạp tiềm ẩn; đặc biệt trong những ngày qua, nên UBND TP có quyết định tạm dừng. Số ca mắc mới vẫn còn cao, số người bệnh nhân nặng thở máy vẫn ở mức cao và ngày càng tăng. Số ca tử vong vẫn chưa giảm, thậm chí có tăng. Nhiều người vẫn không thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Do vậy, chúng ta phải có những giải pháp như vậy. Nên chúng tôi kính mong người dân, doanh nghiệp chia sẻ, đồng thuận với quyết định khó khăn này".
Tính từ 16h ngày 17/11 đến 16h ngày 18/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.223 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 10.209 ca ghi nhận trong nước (tăng 370 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 5.454 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP HCM (1.609), Bình Dương (686), Tây Ninh (632), Tiền Giang (622), Đồng Nai (563), Đồng Tháp (515), An Giang (510), Bà Rịa - Vũng Tàu (423), Sóc Trăng (343), Bình Thuận (333), Bạc Liêu (314), Vĩnh Long (314), Kiên Giang (304), Hà Giang (235), Hà Nội (202), Trà Vinh (194), Bình Phước (189), Bến Tre (184), Cà Mau (158), Khánh Hòa (135), Cần Thơ (130), Hậu Giang (122), Đắk Lắk (118), Lâm Đồng (95), Thừa Thiên Huế (91), Thái Bình (85), Long An (82), Bình Định (82), Bắc Ninh (78), Quảng Nam (73), Gia Lai (68), Nghệ An (61), Điện Biên (59), Vĩnh Phúc (56), Quảng Ngãi (51), Bắc Giang (49), Nam Định (47), Thanh Hóa (46), Ninh Thuận (45), Đắk Nông (41), Hà Tĩnh (31), Quảng Ninh (31), Đà Nẵng (26), Phú Yên (25), Tuyên Quang (25), Quảng Bình (20), Cao Bằng (19), Hải Dương (16), Phú Thọ (15), Hà Nam (12), Hưng Yên (10), Sơn La (8 ), Lạng Sơn (6), Quảng Trị (5), Lào Cai (5), Hải Phòng (5), Kon Tum (2), Hòa Bình (2), Thái Nguyên (1), Yên Bái (1).