Ứng dụng công nghệ số sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt đưa ra các phân tích, dự báo chính xác dựa trên dữ liệu thực, dựa trên quản trị, tài chính, bán hàng và nhân sự để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn. Nội dung này được đưa ra trong chuỗi hội thảo "Chuyển đổi để thích ứng an toàn linh hoạt với Covid-19" do Hội tin học TPHCM phối hợp với Vụ thông tin truyền thông thuộc Bộ TT-TT tổ chức sáng 11/11.
Với chuyên đề “ Giải pháp nào để doanh nghiệp kinh doanh không gián đoạn”, hội thảo tập trung phân tích những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp trong chuyển đổi số hiện nay, đồng thời gợi mở những cơ hội về các giải pháp công nghệ số giúp doanh nghiệp thích ứng an toàn trong tình hình mới.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn, đại dịch Covid-19 gây tổn thất nặng nề cho thế giới, song đó là cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông gọi - gọi tắt là ICT - dẫn dắt một chu kỳ thay đổi mới của doanh nghiệp VN: "Tôi rất mong các doanh nghiệp ICT đưa ra sáng kiến, cách làm hay để sau đó có sự vào cuộc nhanh. Có nhiều nghiên cứu của chính phủ VN cho thấy một số điều chỉnh chính sách, xu hướng mới của các nước trên thế giới đều tập trung xây dựng nền tảng, ứng dụng CNTT, đây là sự sống còn của họ".
Đánh giá hiện trạng và xu hướng ứng dụng sản phẩm công nghệ số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay, bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp VN –VCCI dẫn ra một khảo sát về nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số cho thấy: chỉ có doanh nghiệp quy mô vừa và lớn mới cần chuyển đổi số chiếm 9,4% và trên 36% doanh nghiệp nghe qua chuyển đổi số nhưng không biết bắt đầu thực hiện từ đâu.
Tuy nhiên có trên 50% doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số trước khi dịch bệnh Covid diễn ra. Trong khi đó theo 1 khảo sát mới nhất của VCCI vào tháng 10/2021, khó khăn về duy trì việc làm là tác động lớn nhất của Covid-19 đến hoạt động chung của DN chiếm trên 76%.
Vậy làm sao để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số thích ứng tình hình mới, bà Lê Thị Thu Thuỷ cho rằng: "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay. DN phải chủ động, nỗ lực chứ không thụ độnC đợi sự hỗ trợ của chính phủ hay tổ chức. Bên cạnh đó, môi trường, thể chế, các chương trình hỗ trợ DN rất cần thiết, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn và hiệu quả hơn".
Chuyển đổi sao phải bắt đầu từ đâu và giải pháp ra sao ?
Với sự quan tâm này, ông Bùi Cao Học, giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Phần mềm Quản lý Khách hàng Việt Nam (OnlineCRM) đã chia sẻ giải pháp nhận diện đa kênh từ ứng dụng Omni Chanel CRM , khái niệm và sự tiến hoá công nghệ này: "CRM đơn thuần chỉ là kho dữ liệu thay vì lưu trữ file excel thì lưu trữ trên phần mềm, nhập thủ công. Tiến bộ hơn là Multi Chanel CRM có khả năng kết nối đa kênh, lấy dữ liệu phục vụ nghiệp vụ tiếp thị, bán hàng cho doanh nghiệp. Omni Chanel CRM có khả năng nhận diện đa kênh, duy trì trải nghiệm liên tục, không trùng lắp giữa các khách hàng trong doanh nghiệp".
Khả năng nhận diện trong bán hàng đa kênh, duy trì tính liên tục và sự trải nghiệm của người dùng là yếu tố quan trọng khi DN ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả bán hàng. Vậy làm sao xây dựng sự trải nghiệm hoàn hảo cho người dùng thông qua chuyển đổi số.
Ông Lê Duy Khang, chuyên gia Tư vấn Chuyển đổi số - Tập đoàn Zoho: "Trải nghiệm khách hàng vừa là cơ hội để vượt lên đối thủ đồng thời là thách thức khi chỉ cần 1 trải nghiệm không tốt thì khách hàng đã rời bỏ thương hiệu. Vậy yếu tố nào ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng đó là tốc độ, thuận tiện, thông tin truyền đạt có chính xác không. Đây là điều thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số và vận hành hiệu quả hơn".
Nhận diện về các thách thức nội tại trong doanh nghiệp hiện nay, ông Huỳnh Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Giải pháp Doanh nghiệp Vừa - Văn phòng đại diện MISA tại TPHCM cho rằng, phần lớn đều liên quan đến thất thoát thông tin khách hàng, chưa có quy trình bán hàng bài bản, thời gian chốt deal kéo dài, tỷ lệ thắng thấp, thiếu hệ thống báo cáo, phân tích để ra quyết định điều hành kịp thời.
Song song đó, hành vi mua hàng "online hoá" và yêu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng tạo ra thách thức bên ngoài thị trường doanh nghiệp. Để giải quyết các rào cản chuyển đổi số đối với DN Việt, ông Thành cho biết nền tảng quản trị doanh nghiệp Misa Amis đang kế thừa quy trình bán hàng tiên tiến giúp DN dễ mở rộng quy mô: "Đây là một hệ sinh thái trong nội bộ của Misa. Tuy nhiên, chúng tôi chào đón sự kết nối, hầu như các giải pháp đều cho phép người dùng kết nối API với hệ thống khác trên thị trường. Việc được chia nhỏ theo từng nghiệp vụ thì tuỷ quy mô của doanh nghiệp có thể lựa chọn sao cho phù hợp."
Đánh giá cao về những giải pháp được trình bày tại hội thảo nhưng Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng doanh nghiệp ICT cần tìm thêm những cách đi mới với chi phí tiết kiệm hơn, lan toả hơn để có những ứng dụng, nền tảng thuận lợi, đặc biệt trong dịch bệnh Covid-19: "Với tình hình Covid như vậy, việc thích ứng an toàn trong tình hình mới, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, Bộ TT-TT cơ bản được chính phủ giao dẫn dắt, kết nối giữa cung và cầu thì tôi tin việc chuyển đổi số VN sẽ thành công. Tôi muốn nhấn mạnh tư duy các doanh nghiệp ICT phải thay đổi, khi thay đổi thì gặp nhau rất dễ, lan toả ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số sẽ rất nhanh".
Góp thêm những đánh giá về chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp tại TPHCM, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội tin học TPHCM cho rằng với năm 2020-2021, việc ứng dụng công nghệ đã bước sang trạng thái mới, một cơ hội phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là những ứng dụng phục vụ giãn cách, làm việc trên môi trường điện toán đám mây.
Vấn đề đưa ứng dụng này đến doanh nghiệp là điều rất quan trọng: "Ở đây chúng tôi gần như phối hợp với các Hiệp hội lớn ở TPHCM tổ chức liên tục các chương trình online. Đến 2023-2024 thì chúng ta có thuốc đặc trị Covid-19 nhưng vẫn phải sẵn sàng cho tình huống xấu.
Vì thế, những giải pháp online vẫn phải phát triển và các chương trình khuyến mãi doanh nghiệp dùng thử 6 tháng - 1 năm sau đó mới trả tiền dịch vụ cho nhà cung cấp, phục vụ cho chuyển đổi số. Đó là những điều mà doanh nghiệp VN cũng như doanh nghiệp công nghệ thông tin tại TPHCM đã làm trong 2 năm qua để hỗ trợ cho doanh nghiệp".