Tình người không biên giới

(VOH) - Thống kê sơ bộ, kiều bào đã quyên góp ủng hộ với số tiền 35 tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và gần 14 tỷ đồng cho quỹ vaccine cùng công tác phòng chống dịch với nhiều trang thiết bị y tế

Trước đòi hỏi cấp bách phải nhanh chóng tìm mọi cách ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, không để lan rộng bùng phát trong cộng đồng và nhằm huy động nguồn lực của kiều bào hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch của đất nước, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao phối hợp cùng các cơ quan tổ chức chuỗi sự kiện với buổi hội thảo đầu tiên mang chủ đề “Chuyên gia kiều bào chung sức cùng Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch” diễn ra vào chiều 12/8/2021.

Hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam, lãnh đạo TPHCM cùng nhiều chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào đang sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia.

Tình người không biên giới 1
Hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam, lãnh đạo TPHCM  cùng nhiều chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin cho đến nay cộng đồng người VN ở nước ngoài đã có nhiều hành động đóng góp cụ thể, thiết thực hướng về đất nước. Theo thống kê sơ bộ, kiều bào đã quyên góp ủng hộ với số tiền 35 tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và gần 14 tỷ đồng cho quỹ vaccine cùng công tác phòng chống dịch với nhiều vật tư, trang thiết bị y tế. Một số kiều bào còn đóng góp chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm chống dịch và đặc biệt họ còn trực tiếp tham gia công tác chống dịch ở tuyến đầu. "Tôi mong rằng các bác sỹ chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài sẽ cởi mở, chân thành, chia sẻ thẳng thắn những kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống dịch tại các quốc gia, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đặc biệt đối với TPHCM, nhằm nâng cao năng lực của hệ thống y tế trong nước trước biến thể mới, diễn biến phức tạp mới của đại dịch Covid-19. Một lần nữa thay mặt Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài ghi nhận và trân trọng cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của bà con kiều bào ta cùng đồng bào cả nước quyết tâm chiến thắng đại dịch", ông Hiệu phát biểu.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM, TP đang nỗ lực hết sức để chống dịch Covid-19 và chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Do đó, TP trân trọng nghĩa cử cao đẹp của các doanh nghiệp, kiều bào đã cùng chung tay hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng chống dịch Covid-19 lúc này. "Hội đồng Nhân dân TP đang kêu gọi thêm các nguồn lực và sẽ hỗ trợ tận tay người dân các phần quà thiết yếu, nhất là những công nhân, người lao động ở các khu vực nhà trọ, lương thực thực phẩm thiết yếu. Tôi trân trọng các nghĩa cử cao đẹp của các doanh nghiệp kiều bào đã chung tay hỗ trợ TPHCM phòng chống dịch Covid-19", ông Dũng nói.

Tại Hội thảo, chia sẻ chiến lược và kế hoạch khống chế dịch Covid-19, Bác sỹ Vũ Ngọc Khuê (kiều bào Mỹ) cho rằng nên áp dụng phương cách “4 tuần cho 4 cốt lõi và 4 mục tiêu”. Trong đó, thiết lập ba chiến tuyến chống dịch bao gồm: chiến trường là nhà ở, mỗi cá nhân là 1 chiến sĩ, bám trụ tại nhà. Chiến tuyến thứ 2 là lực lượng y tế, các cơ sở y tế, cách ly cứu chữa bệnh nhân, đồng thời hướng dẫn người dân trụ tại nhà, theo dõi triệu chứng diễn biến bệnh. Thứ 3 là các lực lượng vũ trang đảm bảo thi hành các điều luật cách ly. Bốn mục tiêu đặt ra: Điều trị bệnh nhân tích cực, giảm thiểu tử vong càng thấp càng tốt. Ngăn chặn và chấm dứt lây lan, kéo đường biểu diễn xuống dần và đi tới bằng không. Khử trùng và thanh lọc môi trường để nhân dân sống an toàn và đề phòng tái phát. Mở lại tất cả các hoạt động và kinh doanh khi hội đủ các yêu cầu hết dịch. BS Khuê lý giải thêm: "Cuộc chiến 4 tuần hầu hết ca ủ bệnh từ 2-14 ngày. 2 tuần đầu là thời gian cần thiết để nhận ra bệnh nhân phát triệu chứng và thực hiện cách ly. 2 tuần tiếp theo để phát hiện các ca ủ bệnh dài. Cuộc chiến 4 tuần tốn kém ít nhất, hiệu quả nhất, phục hồi đất nước, lùi 1 bước tiến 3 bước. Tất cả các biện pháp chống dịch đều có chung mục tiêu kéo số ca mắc xuống bằng 0 và đem lại cuộc sống bình thường".

Tham gia đóng góp kinh nghiệm phòng chống dịch của cộng đồng người Việt tại Ba Lan trong suốt 1 năm rưỡi qua, ông Trần Trọng Hùng (kiều bào Ba Lan), Phó Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan cho biết Ban Hỗ trợ và Phòng chống Covid-19 tại Ba Lan đã xây dựng cẩm nang phòng chống Covid-19 với thông điệp 3 Phao cứu trợ là "Phòng triệt để", "Chống ngay lập tức" và "Cấp cứu kịp thời" nhằm chuyển tải tới người bệnh tầm quan trọng của các quyết định cá nhân tới quá trình cứu chữa bệnh ở mỗi gia đình. Trong đó, phao hỗ trợ Cấp cứu kịp thời là đặc biệt quan trọng, ông Hùng phân tích: "Bởi vì những người được cấp cứu kịp thời được chữa bệnh tại bệnh viện một cách chuyên nghiệp. Nếu sớm quá thì bệnh viện quá tải. Ngoài ra, phải giải quyết vấn đề tâm lý khi hầu hết người bệnh lo lắng lúc họ nhập viện không ai chăm sóc hay vĩnh viễn chia tay người thân".

Chia sẻ thêm kinh nghiệm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh nhằm giảm thiểu thương vong trong cộng đồng, Trần Trọng Hùng cho biết cần phải xây dựng và hoàn thiện các đường dây nóng hoặc các phương tiện trò chuyện để hướng dẫn người dân xử lý tình huống tại nhà. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần trang bị cho mình những trang thiết bị cần thiết như: các loại thuốc cơ bản, oxymeter, nhiệt kế, máy đo huyết áp. Nhờ những công cụ đơn giản này, người trực đường dây nóng có thể dễ dàng hỗ trợ người bệnh. Thực tế, tại Ba Lan nhờ công cụ đơn giản như Facebook cho business, đã hỗ trợ rất nhiều bà con thoát hiểm kịp thời.

Tình người không biên giới 2
Các nhà khoa học, chuyên gia là kiều bào Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Có thể thấy, hiện nay, trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam đã và đang sử dụng 3 kỹ thuật chính đó là xét nghiệm kháng thể (thường được biết là xét nghiệm huyết thanh) để biết số lây nhiễm trong công đồng; Xét nghiệm nhanh kháng nguyên tiện lợi dùng tại chỗ; Xét nghiệm PCR chính xác hơn cần Phòng thí nghiệm. Cả 3 phương pháp đã được TPHCM kết hợp với truy vết, cách ly, với những kết quả rất tốt. Nhưng vấn đề của lần thứ 4: chủng Delta lan truyền rất nhanh. Kết hoạch xét nghiệm trên dân số 5 triệu người không thể thực hiện với tổ chức và kỹ thuật của 3 loại xét nghiệm trên. Theo đó, tại Hội thảo, TS Nguyễn Đức Thái đánh giá cao giải pháp PCR siêu nhạy của TS.BS Hồ Hữu Thọ, Học viện Quân Y Hà Nội, đã được thực hiện tại Bắc Giang và vừa được triệu hồi về TPHCM. Giải pháp này với độ nhạy cao hơn PCR thường; giúp tìm được các biến chủng đột biến. Phương pháp này có thể làm gộp 100 mẫu vẫn chính xác, rất phù hợp với xét nghiệm diện rộng hay xét nghiệm toàn TP. Hiện nay đã lập xong phòng xét nghiệm công suất cao có thể xét ngiệm 10.000 mẫu/ngày hoặc 100.000 mẫu ngày khi nhu cầu cần thiết. "Một bộ nghiên cứu PCR có thể chạy 500-1.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên với công nghệ trên số lượng này nhân lên 100 lần so với thường quy, có nghĩa có thể làm từ 10.000-100.000 mẫu/ngày. Chúng ta đang trải qua sự chiến đấu cam go mỗi ngày, đọc tin về sự mất mát, chúng ta đều băn khoăn, bức xúc và mong muốn làm được điều gì rất mạnh mẽ, hiệu quả, tốt đẹp đóng góp cho trận chiến cam go của tuyến đầu".

Bày tỏ sự thấu cảm khi đại dịch Covid-19 đang tạo nên tình trạng nghiêm trọng xảy ra tại VN, nhất là ở TPHCM hiện nay, ông Trần Ngọc Phúc (Kiều bào Nhật Bản), Chủ tịch Mê Trần Japan - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản mong muốn đóng góp một phần sức giúp cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế VN đang cố gắng phụng sự cho các bệnh nhân khổ sở vì dịch bệnh thông qua Chiến lược tổng quát về sử dụng máy thở cho bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam. Theo ông, với ECMO giá thành lớn, hiệu quả trị liệu rất cao nhưng phải cần đội ngũ chuyên môn cao cùng nhiều nhân lực cho 1 bệnh nhân. Do vậy, nên mua máy thở mà đại đa số bác sỹ tuyến tỉnh, huyện và bệnh viện dã chiến có thể dùng một cách an toàn cho bệnh nhân. Chọn máy thở có giá thành thấp để có thể mua được nhiều máy đáp ứng nhu cầu số lượng bệnh nhân ngày càng tăng như hiện nay.

Ngoài ra, chia sẻ chiến lược cách ly, theo ông Phúc nêu ý kiến: "Cần gấp hướng dẫn chính thống về hệ thống giám sát qua mạng cho những người có tình trạng không ổn định, kết nối với hệ thống đón nhận bệnh nhân cho kịp thời. Chúng ta có hệ thống điện thoại di động, phải lợi dụng tiềm năng hệ thống này. Cuối cùng tôi tha thiết  thiết lập nhóm y tế di động để chẩn đoán và săn sóc bệnh nhân cách ly. Đây là ý nguyện mà tôi muốn gửi gắm".

Là một trong những bác sĩ công tác tại các bệnh viện Paris Pháp, TS, BS. Võ Toàn Trung (Kiều bào Pháp) nhận định phải tập trung xây dựng ngay tất cả các phương án với tình hình xấu nhất đặc biệt nguy hiểm khi tỷ lệ mắc bệnh vượt quá khả năng chăm sóc của hệ thống. Vì vậy, cần tổ chức lực lượng y tế theo phương pháp phân thành 3 nhóm. Các nhóm này sẽ lần lượt thay thế nhau để có thời gian nghỉ ngơi, tránh quá tải cho hệ thống y tế. Huấn luyện và đào tạo cấp tốc hệ thống này theo hình thức 3 đội: Đội 1 làm việc thì đội 2 nghỉ ngơi, đội 3 là lực lượng dự bị sẽ được đưa vào những vùng khó khăn nhất. Tuyệt đối tuân thủ việc xét nghiệm loại trừ theo cơ chế ai có xét nghiệm âm tính thì được cấp mã số riêng để loại trừ. Cho phép giảm giãn cách với những ai đã được tiêm vaccine và những ai có xét nghiệm âm tính dưới 5 ngày để những người này có thể được di chuyển nếu công việc thật sự cần thiết. TS, BS. Võ Toàn Trung đặt ra vấn đề làm thế nào để vừa chống dịch hiệu quả, đồng thời đưa ra các biện pháp cho KCN tiếp tục sản xuất: "Chúng ta phải có được các vùng xanh, chủ yếu dựa vào xét nghiệm trên diện rộng cùng một lúc. Từ vùng xanh đó, để đảm bảo thiết yếu cho hoạt động của doanh nghiệp thì phải có hành lang xanh bao gồm vận chuyển hàng hoá lẫn trang thiết bị vật tư cũng như  cung cấp lương thực, thực phẩm".

Tình người không biên giới 3
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM phát biểu tại buổi hội thảo

Phát biểu kết luận tại hội thảo trên, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM trân trọng ghi nhận và biết ơn những tình cảm quý báu, tấm lòng, sức người, sức của đã mang lại nhiều ý nghĩa trong cuộc chiến này; đặc biệt là đồng bào cả nước, trong đó có kiều bào ta ở trong và ngoài nước đã chung sức hỗ trợ trang thiết bị y tế, chuyển các nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con gặp khó khăn, lực lượng tuyến đầu tại các nơi bị phong tỏa, cách ly, hiến kế các giải pháp để phòng chống dịch. "Những giải pháp, đề xuất của các chuyên gia đã được ghi nhận, ngành y tế TP cùng lực lượng tuyến đầu và toàn thể người dân TP sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến để đưa vào ứng dụng phù hợp cho hoàn cảnh của TPHCM. Chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm của toàn thể hệ thống chính trị tại TPHCM với tất cả nguồn lực, sự hỗ trợ của ban ngành địa phương và đặc biệt là tấm lòng, sự giúp đỡ trực tiếp và gián tiếp của kiều bào Việt Nam trên toàn thế giới thì TPHCM nhanh chóng quay lại và tiếp tục giữ vững là đầu tàu kinh tế của VN. Chúng tôi ý thức rất rõ trách nhiệm của mình phải làm sao để vượt qua nhanh những khó khăn này, vì khi chúng ta tập trung dập dịch thì kinh tế ảnh hưởng nặng và khi tình hình ổn định thì kinh tế sẽ nhanh chóng quay lại phát triển. Vì vậy, trong mọi thời gian, mọi điều kiện, chúng tôi tiếp tục rất cần sự đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ của các chuyên gia nhà khoa học là Việt kiều đã tiếp cận nền khoa học tiên tiến nhất thế giới".