Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh, TPHCM đã áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch triệt để, trong đó có việc giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh… Việc giãn cách xã hội khiến người dân ở nhà nhiều hơn, nhu cầu nấu nướng cao hơn, việc sử dụng điện tăng cao tại các gia đình… Đây là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy trong khu dân cư gần đây.
Do đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM vẫn phải xông pha thực hiện nhiệm vụ, vừa tích cực chữa cháy, cứu người, vừa phải chú ý đến công tác phòng dịch khi chữa cháy, cứu hộ tại các khu phong tỏa, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.
Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong khu phong tỏa
Từ ngày 1/7 đến 14/7/2021 khi thành phố hạn chế người ra đường, tại TPHCM đã xảy ra 22 vụ cháy (công ty 2 vụ, cháy rác 6 vụ, cháy nhà dân 10 vụ, chập điện các loại 4 vụ) làm 1 người chết, thiệt hại hoàn toàn 8 căn nhà, cháy xém 4 căn, cháy 2 ôtô và 1 vụ cháy nhà dân chưa ước tính thiệt hại.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM đã điều động 112 lượt xe chữa cháy các loại cùng 689 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia cứu chữa các vụ cháy trong khu vực phong tỏa, khu cách ly… Cảnh sát PCCC vừa thực hiện công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ vừa phải đảm bảo 5K phòng chống dịch bệnh trong quá trình tham gia chữa cháy. Ngoài ra, còn tham gia cứu nạn cứu hộ 05 vụ, vớt được 02 xác nạn nhân bàn giao cho địa phương xứ lý.
Cụ thể, vào lúc 19 giờ 32 phút tối, ngày 2/7/2021, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhận tin cháy tại nhà dân tại địa chỉ 163/54A Đặng Văn Bi, Phường Trường Thọ, Thành phố Thủ Đức… và đã điều 07 xe cùng 52 cán bộ chiến sĩ tiến hành khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy lúc 20 giờ 37 phút. Đám cháy đã làm chết 01 người phụ nữ sinh năm 1965 và cháy hoàn toàn căn nhà diện tích 40m2.
Do nhà năm trong hẻm sâu (khoảng 200m) nên quá trình triển khai cứu chữa vụ cháy lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH gặp nhiều khó khăn trong truyền tiếp nước chữa cháy. Hẻm 163 Đặng Văn Bi cũng đang bị phong tỏa cách ly do phát hiện có nhiều ca mắc Covid-19.
Vào lúc 03 giờ 08 phút sáng ngày 11/7/2021, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng nhận được tin báo cháy nhà dân tại địa chỉ số 171 đường Nguyễn Thượng Hiền, Phường 4, Quận 3.
Lực lượng đã điều động Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Quận 3 và Đội Chữa cháy và CNCH Khu vực 1 nhanh chóng đến hiện trường với tổng lực lượng và phương tiện là 10 xe và 74 cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy.
Tại hiện trường do căn nhà cháy là tiệm tạp hóa có buôn bán, trao đổi các bình gas mini nên đã tạo ra nhiều tiếng nổ lớn, đám cháy bùng to, nhiều vỏ lon văng tung tóe gây nguy hiểm cho cán bộ chiến sĩ.
Với chiến thuật phù hợp, đám cháy được Cảnh sát PCCC dập tắt ngay sau đó, tuy nhiên 2 căn nhà và 2 căn liền kề tiệm tạp hóa cũng bị cháy xém. Hiện trường vụ cháy nằm trong khu phong tỏa vì vào đầu tháng 7/2021 cơ quan chức năng đã phát hiện 37 ca dương tính tại đây khi triển khai xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng.
Vào lúc 16 giờ 18 phút ngày 12/7/2021 xảy ra cháy tại nhà dân số 88/71A Phạm Hùng, Phường 9, Quận 8. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động 13 xe cùng 67 CBCS của các Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Quận 5, Quận 8 và Đội Chữa cháy và CNCH Khu vực 1 tham gia dập tắt đám cháy hoàn toàn vào lúc 16 giờ 52 phút cùng ngày. Ngọn lửa đã làm thiệt hại 110m2 căn nhà và cháy xém 2 căn nhà liền kề đang trong vùng phong tỏa dịch Covid-19.
Ngày 5/7/2021 vào khoảng 05 giờ 16 phút, nhận được yêu cầu hỗ trợ từ chính quyền địa phương, lực lượng cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng đã nhanh chóng xuất 02 xe cấp cứu, cùng 12 cán bộ đến hiện trường phối hợp cùng Công an Quận 8 triển khai các đội hình cùng nhiều phương tiện để lặn tìm người bị nạn tại số 03, bến Phú Định, Phường 16, Quận 8.
Sau 1 giờ tìm kiếm, lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã tìm được nạn nhân mất tích là ông H.T.H (sinh năm 1967), hộ khẩu thường trú tại 86 T đường Lê Quang Sung, Phường 16, Quận 8 và bàn giao cho chính cho quyền địa phương tiếp tục thụ lý.
Tối ngày 10/7/2021 vào lúc 19 giờ 40 phút, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhận tin có người rơi xuống sông Sài Gòn khu vực đô thị Vạn Phúc, Phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức.
Đơn vị đã xuất 02 xe CNCH, 01 canô cùng 17 cán bộ chiến sĩ tham gia lặn tìm nạn nhân… dưới dòng sông rộng lớn nước sâu, buổi tối lạnh buốt, cán bộ chiến sĩ đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn với các kinh nghiệm nghiệp vụ đã lặn tìm được thi thể nữ nạn nhân sinh năm 1988 bàn giao cho địa phương và gia đình.
Chiều 4/8, Trung tâm thông tin chỉ huy thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục nhận tin báo một thiếu niên bị đuối nước khi bơi qua sông lúc câu cá ở khu vực quanh cầu Tư Dinh (Quận 7).
Sau hơn 2 giờ lặn mò, lực lượng cứu nạn tìm thấy và đưa nạn nhân vào bờ. Cơ quan chức năng xác định nạn nhân là N.T.Q.A (SN 2005, tạm trú tại phường Tân Phong), đã tử vong.
Trước đó, A. cùng một người bạn rủ nhau tới khu vực quanh cầu Tư Dinh để bắt cá. Người bạn đi cùng may mắn bơi được vào bờ an toàn. Người này cho biết họ trốn khu phong tỏa, đi câu cá. Khi bơi qua bên kia sông, A. bất ngờ đuối nước. Do bản thân cũng mất sức nên nam thiếu niên không thể cứu bạn.
Kiểm tra, giám chặt chẽ công tác PCCC
TPHCM đang là địa phương có nhiều ca mắc Covid-19 nhất, do đó số lượng bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly được thành lập ngày càng nhiều.
Theo đánh giá của Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM, bệnh viện điều trị Covid-19 thường là bệnh viện khám chữa bệnh được chuyển đổi công năng toàn phần hoặc một phần thành nơi điều trị Covid-19, hay bệnh viện dã chiến được xây dựng mới để điều trị cho bệnh nhân.
Đặc điểm chung là nhiều bệnh viện được xây dựng cao tầng, diện tích rộng với hàng trăm giường bệnh, sử dụng nguồn điện nhiều, chứa khối lượng chất cháy lớn như: thiết bị y tế, bình oxy, máy trợ thở, hóa chất, phim X quang, các chất oxy hoá, chăn, màn, quần áo và tư trang của bệnh nhân.
Tại các tầng hầm của tòa nhà chứa phương tiện như xe ô tô, xe máy, máy phát điện… Trong trường hợp xảy ra cháy, khói khí độc tỏa ra rất nhanh, có xu hướng bay lên các tầng trên, bệnh nhân có nguy cơ ngộ độc khí và bị sức nóng của vụ hỏa hoạn đe dọa. Tâm lý hoảng loạn sẽ khiến việc thoát nạn trở nên khó khăn, đặc biệt đối với những bệnh nhân nặng, người già… không thể tự di chuyển. Vì vậy công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các bệnh viện điều trị Covid-19 phải được quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Do đó, để đảm bảo an toàn PCCC những nơi trọng điểm này, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động tham mưu cho Công an TPHCM hướng dẫn người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan tổ chức quản lý khu vực cách ly tập trung thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH còn áp dụng công nghệ để kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm cho biết thêm: “Thông qua ứng dụng Help 114, lực lượng sẽ kết nối trực tiếp các tới đội ngũ y bác sĩ, bảo vệ bệnh viện dã chiến, hay người dân ở các điểm cách ly. Video hình ảnh về hệ thống điện, phòng chống cháy nổ, kho tập kết vật tư y tế… của các đơn vị này sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm Cảnh sát PCCC&CNCH, các cán bộ trực chỉ huy sẽ kiểm tra, phân tích hình ảnh – và yêu cầu cơ sở xử lý, khắc phục nếu có vi phạm.
Việc ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, giám sát cháy nổ tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly không chỉ giúp lực lượng PCCC&CNCH thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hướng dẫn biện pháp phòng ngừa cháy, nổ, thoát nạn, phát hiện kịp thời các nguy cơ cháy nổ, mà còn đảm bảo an toàn, ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 cho chính các cán bộ chiến sĩ”.
Sâu sát hơn, mới đây, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến rất cao nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH vẫn triển khai đợt kiểm tra an toàn PCCC đối với Bệnh Viện 30/4, Bệnh viện CATP, Bệnh viện dã chiến đặt tại The Garden Mall (Thuận Kiều Palza)... Đây là các khu vực tập trung số lượng lớn bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Việc kiểm tra tập trung vào các nội dung: lối thoát nạn, thoát hiểm; phương tiện, thiết bị PCCC đã được trang bị tại cơ sở; điều kiện giao thông phục vụ cho việc tiếp cận của xe chữa cháy, xe thang cứu nạn, cứu hộ; giải pháp chống cháy lan; việc sử dụng các thiết bị có thể phát sinh nguồn nhiệt tiềm ẩn khả năng gây cháy, nổ… Đặc biệt là nơi tồn chứa khí oxy, hệ thống cung cấp khí oxy, bình oxy cho bệnh nhân phải đảm bảo tuyệt đối an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định.
Từ đợt kiểm tra này, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã có hướng dẫn cụ thể hơn đối với người đứng đầu các cơ sở y tế về việc duy trì các điều kiện an toàn PCCC; Hướng dẫn các lực lượng chốt bảo vệ, người làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cách ly tập trung kiến thức, kỹ năng và các biện pháp xử lý sự cố cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh; Xây dựng phương án chữa cháy, phương án CNCH của cơ quan Công an đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, cách ly tập trung…; tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH và chi viện khi có yêu cầu trên nguyên tắc bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch vừa bảo đảm công tác chữa cháy và CNCH trên địa bàn…
Ứng dụng công nghệ giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng cho nhân dân
Thực hiện giãn cách xã hội góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên điều này cũng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu làm các thủ tục về PCCC&CNCH vì không thể đến cơ quan PCCC.
Hiểu được những khó khăn đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã linh động, sáng tạo - ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính như: triển khai phần mềm tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến TPHCM; cung cấp thông tin và hướng dẫn PCCC cho người dân thông qua Trang thông tin điện tử của Phòng và kênh Zalo của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH; phổ biến ứng dụng Help 114 để người dân có nhiều kênh liên kết đăng ký thủ tục nhanh, gọn, dễ hiểu…
Về việc giải quyết thủ tục hành chính, hiện nay có 6 thủ tục được Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH triển khai tiếp nhận hồ sơ trực tuyến gồm: Cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ CNCH; Đổi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC; Cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC; Cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC; Đổi giấy huấn luyện nghiệp vụ PCCC; Cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC.
Về ứng dụng Help 114 - đây là một trong những ứng dụng công nghệ hữu ích trong hoạt động ứng cứu và phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý nhanh các trường hợp khẩn trong giai đoạn giãn cách, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn, chống cháy nổ trong các khu cách ly, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thông qua ứng dụng Help 114, người dân không chỉ báo cháy nhanh chóng cho Cảnh sát PCCC&CNCH mà còn có thể phản ảnh về nhiều sai phạm liên quan đến dịch bệnh như việc hàng xóm nhậu nhẹt, buôn bán tụ, tập đông người... Do Help 114 có liên thông với Tổng đài 113 và 115 nên khi người dân phản ảnh qua ứng dụng, trung tâm sẽ tiếp nhận và chuyển tiếp ngay đến 113 và 115. Từ đó giúp cơ quan chức năng có mặt kịp thời để xử lý các sai phạm trong thời gian dịch bệnh.
Một kênh khác để người dân tiếp cận nhanh hơn với các thông tin về PCCC, cũng như kết nối khi cần hỗ trợ đó là kênh Zalo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM. Người dân có thể quét mã QR code hoặc tìm kiếm với tên Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TPHCM để kết nối và nhận các thông báo tin tức mới một cách nhanh chóng, thường xuyên.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm chia sẻ: “Thông qua các ứng dụng trên, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ thường xuyên cập nhật quy định pháp luật liên quan và các thông tin, hình ảnh về sự kiện cháy, nổ để người dân kịp thời nắm tình hình. Ngoài ra, Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ lồng ghép qua hình ảnh, clip minh họa sinh động, dễ hiểu về các kiến thức an toàn PCCC như: cách sử dụng điện, gas an toàn; kỹ năng thoát khỏi đám cháy tại nhà ở, chung cư... Từ đó, người dân dù trong giai đoạn giãn cách vẫn có thể tiếp cận thông tin dễ dàng, kết nối nhanh với lực lượng PCCC&CNCH khi xảy ra sự cố, góp phần bảo đảm an toàn cháy, nổ để chung tay xây dựng môi trường đáng sống, nghĩa tình trên địa bàn TPHCM”.
Dù gặp không ít khó khăn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TPHCM vẫn duy trì lực lượng, triển khai nhiều kế hoạch thích ứng với tình hình mới, đặc biệt là luôn đảm quân số, phương tiện tham gia chiến đấu khi có bất cứ sự cố cháy, nổ nào xảy ra, trên nguyên tắc vừa đảm bảm các biện pháp phòng chống dịch vừa đảm bảo công tác PCCC&CNCH.
Với những nỗ lực của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra tiếp tục được kiềm chế; hỗ trợ tối đa cho người dân không chỉ trong công tác cứu hộ, cứu nạn mà trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về PCCC&CNCH tại thành phố.