Tọa đàm 'TPHCM tăng tốc chuyển đổi số'

(VOH) - Tọa đàm “TPHCM tăng tốc chuyển đổi số” vừa được tổ chức tại Đài tiếng nói nhân dân TPHCM vào sáng 22/9.

Tham dự chương trình có bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám Đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông TP; ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch Quốc tịch, Sở  Tư Pháp TP; ông Nguyễn Trần Phú Thịnh, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Thành phố Thủ Đức; ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn Công nghệ TMA; bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám Đốc vận hành Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực.

Các khách mời trong tọa đàm từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, Ông Trần Phúc Hồng; Bà Võ Thị Trung Trinh; Ông Nguyễn Triều Lưu; Ông Nguyễn Trần Phú Thịnh 
Các khách mời trong tọa đàm (từ trái qua): Bà Nguyễn Thị Thúy Kiều; Ông Trần Phúc Hồng; Bà Võ Thị Trung Trinh; Ông Nguyễn Triều Lưu; Ông Nguyễn Trần Phú Thịnh.

Chương trình chuyển đổi số của TPHCM được xây dựng dựa trên chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc chính quyền điện tử TPHCM. Thành phố đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Là đơn vị chủ lực triển khai các chương trình chuyển đổi số của thành phố, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám Đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông Thành phố cho biết các chỉ tiêu được đặt hàng đã hoàn thành trong năm 2022.

TPHCM tập trung triển khai được những nhiệm vụ đảm bảo cho mục tiêu phục hồi kinh tế. Đầu tiên, sau khi TPHCM mở lại các hoạt động, thành phố đã tổ chức diễn đàn kinh tế với chủ đề Kinh tế số là động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai. Thứ hai, một trong những nội dung quan trọng Thành phố hướng đến trong thực hiện chuyển đổi số là làm sao để hỗ trợ phát triển kinh tế số. Diễn đàn này quy tụ hơn 1.000 khán thính giả từ nhiều nước.

Chúng tôi tổ chức với các hội nghị trực tuyến và trực tiếp. Đây là một trong những sự kiện của TPHCM đánh dấu vấn đề mở lại hoạt động bình thường. Kế đến, chúng tôi tập trung sản phẩm, chương trình ứng dụng chuyển đổi số phục vụ đời sống người dân, hoạt động chính quyền, cho doanh nghiệp tại thành phố”, bà Trung Trinh cho biết.

Một trong những nội dung trọng tâm của chuyển đổi số mà TPHCM tập trung triển khai vào quý II năm nay, chính là thí điểm khai thác, sử dụng Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch. Đây là bước quan trọng để TP thực hiện việc cấp bản điện tử Giấy tờ hộ tịch theo Thông tư số 01/2022 ngày 04/01/2022 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch Quốc tịch, Sở Tư Pháp TP chia sẻ về những lợi ích dành cho người dân và cả cán bộ hộ tịch khi TPHCM triển khai thành công số hóa hộ tịch: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực hộ tịch, là chúng ta sẽ thực hiện đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử. chúng ta sử dụng các giấy tờ hộ tịch điện tử để phục vụ các giao dịch và thủ tục hành chính. Việc này chúng ta thực hiện từ 2016 đến nay, nhưng ở một khía cạnh rất nhỏ. Và với việc dữ liệu hơn 12 triệu giấy tờ hộ tịch của người dân TPHCM được số hóa, chúng ta đã có một đột phá rất lớn trong việc triển khai các ứng dụng liên quan đến số hóa hộ tịch”.

Đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý hành chính trên địa bàn thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Trần Phú Thịnh, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Thành phố Thủ Đức cho biết: “Để phục vụ cho người dân tốt hơn, chúng tôi đã ra mắt được Cổng thông tin để tương tác với người dân, đó là Thủ Đức trực tuyến. Tính đến thời điểm hiện tại, trong đây có 9 phân hệ, với nội dung như cấp phép xây dựng trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu các nội dung hồ sơ hành chính bằng mã QR code trên trực tuyến. Bên cạnh đó, có chuyên mục tư vấn các ngành, người dân có thắc mắc gì có thể phản ánh lên đây”.

Nhìn lại hành trình đã qua, bức tranh chuyển đổi số của TPHCM có những gam màu sáng cũng có vai trò đóng góp lớn của các doanh nghiệp. Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò của chuyển đổi số.

Tại hội thảo, ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ TMA, Phó chủ tịch Liên minh Công nghệ số Việt Nam (VNITO) cũng đã có ý kiến về xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong năm 2022. Bà Nguyễn Thị Thúy Kiều – Giám Đốc vận hành Tập đoàn Giáo dục Tâm Trí Lực giới thiệu về Ứng dụng VmindMap, việc giảng dạy áp dụng công nghệ chuyển đổi số như thế nào để việc học trở nên nhẹ nhàng dễ dàng hơn đối với học sinh trong kỷ nguyên số.

Bình luận