Vắc xin Tinh thần – chương trình hỗ trợ sức khoẻ tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Sau một năm triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Chương trình đã tổ chức thành công 10 webinar, hội thảo trực tuyến với các chủ đề đa dạng, cấp thiết cho các đối tượng khác nhau, như: “Sống tích cực”; “Khơi dậy năng lượng tích cực trong giảng dạy trực tuyến”; “Vắc xin tinh thần cho học sinh - sinh viên: học tập chủ động trong thời kỳ COVID -19”; “Chăm sóc sức khoẻ tâm tinh thần trong và sau đại dịch”; “Chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho phụ huynh có con nhỏ trong mùa dịch; Quản lý stress trong mùa dịch dành cho người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam; Thích ứng và khả năng phục hồi trong “bối cảnh bình thường mới”…..Mỗi buổi webinar của Chương trình thu hút khoảng 200 - 400 người đăng ký tham dự trực tiếp, khoảng 1.000 – 1.500 người xem trực tiếp trên nền tảng trực tuyến và số lượt xem tích lũy hàng chục ngàn người trên kênh youtube Người Nhân văn.

Song song đó, trong một năm qua, chương trình cũng đã triển khai 05 chương trình workshop/ huấn luyện trực tuyến về chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong đại dịch. Mỗi chương trình huấn luyện có khoảng 100 - 200 người đăng ký tham dự xuyên suốt. Đồng thời, truyền thông cộng đồng nâng cao sức khỏe tinh thần thông qua các kênh báo chí. Trong đó, chương trình phối hợp với VOH thực hiện Radio “Tâm an vượt qua đại dịch” với 16 số phát sóng, tập trung vào nội dung như quản lý stress, hỗ trợ sức khoẻ tinh thần cho bệnh nhân dương tính, sống tích cực, dạy học trực tuyến, kết nối gia đình trong đại dịch.
Nhóm nghiên cứu của Chương trình đang thực hiện 03 nghiên cứu: Nghiên cứu 1: “Sức bật tinh thần và các triệu chứng cơ thể của người Việt trong đại dịch Covid-19”; Nghiên cứu 2: “Nghiên cứu về các biểu hiện tâm bệnh của người Việt và tác động của sự kiện (đại dịch Covid-19); Nghiên cứu 3: “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19: Thực trạng và các khuyến nghị chính sách cho Thành phố Hồ Chí Minh.” Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện chương trình sẽ đưa ra những khuyến nghị cụ thể cho Thành phố trong việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân không chỉ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lần này, mà xa hơn nữa và bền vững hơn nữa đó là những mô hình chăm sóc sức khỏe tinh thần cộng đồng được tổ chức và vận hành một cách chính quy, có hệ thống.
Cũng tại buổi lễ, nhà trường công bố, trao quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khoẻ tinh thần. Theo Tiến sĩ Lê Minh Công – Giám đốc Trung tâm, Trung tâm có các hoạt động chính bao gồm hỗ trợ, tư vấn sức khoẻ tinh thần; Hoạt động nghiên cứu; Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, dịch vụ khoa học và liên kết, hợp tác. Với sứ mệnh góp phần nâng cao vị thế của Trường trong nghiên cứu thông qua các thành tựu nghiên cứu khoa học có giá trị học thuật và thực tiễn trong lĩnh vực sức khoẻ tinh thần, đồng thời hướng tới các dịch vụ, dự án có chất lượng cao nhằm nâng cao sức khoẻ tinh thần cộng đồng.