Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

TPHCM: 5 tháng, thuế thu nhập doanh nghiệp thu tăng 22%

(VOH) - Theo báo cáo tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 ước đạt khoảng hơn 96.000 tỷ đồng, tăng 0,84% so với tháng trước và tăng hơn 10% so với cùng kỳ.

Sáng nay 2/6, UBND Thành phố tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM 5 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ tháng 6.

Theo báo cáo của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 ước đạt khoảng hơn 96.000 tỷ đồng, tăng 0,84% so với tháng trước và tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng mức bán lẻ tăng hơn 3% so với tháng trước và tăng gần 14% so với cùng kỳ, ngành lưu trú và ăn uống tăng hơn 6% so với tháng trước và tăng hơn 64% so với cùng kỳ; Dịch vụ lữ hành tăng hơn 12% so với tháng trước và 131% so với cùng kỳ. Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 5 trên địa bàn Thành phố duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ những tháng trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 456.000 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố 5 tháng đầu năm qua cửa khẩu cả nước ước đạt gần 21 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương đánh giá: “Thành phố có mức tăng trưởng dương trên tất cả các lĩnh vực. Và chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 5 và 5 tháng có mức tăng hợp lý vì có mấy việc sau đây: Thứ nhất là trong điều kiện đứt gãy về chuỗi cung ứng, sản phẩm đầu vào trên toàn thế giới vẫn tiếp tục nghiêm trọng; Tình hình xung đột Nga-Ukraina tác động đến chuỗi cung ứng nguyên liệu và chi phí đầu vào; Doanh nghiệp Việt Nam chào giá máy móc trong vòng 1 tháng, xăng dầu tăng rất nhiều lần, đến nay 31 ngàn đồng/lít. Như vậy, trong bối cảnh các yếu tố đầu vào đều tăng, tôi thấy rằng đây là mức tăng tương đối có tính khích lệ”.

Kinh tế TPHCM phục hồi chậm do tồn tại nhiều yếu tố chưa bền vững trong sản xuất 1

Quang cảnh cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM 5 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ tháng 6

Thành phố xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế. Tính đến tháng 5, hầu hết doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố dần khôi phục nhịp độ hoạt động vốn có sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh COVID-19. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ…

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 6,5% so với tháng trước, tăng 9% so với cùng kỳ. Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu 5 tháng ước tăng 5,6% so với cùng kỳ. Trong đó, so với cùng kỳ, ngành sản xuất hàng điện tử ước giảm hơn 8%, chủ yếu giảm sản lượng mặt hàng điện tử dân dụng, thiết bị dây dẫn; Ngành hóa dược - cao su - nhựa ước tăng gần 20%; Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước tăng 4,6%; Ngành cơ khí ước giảm 0,2% so với cùng kỳ. Hiện nay, một số doanh nghiệp FDI đã bắt đầu tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Kinh tế TPHCM phục hồi chậm do tồn tại nhiều yếu tố chưa bền vững trong sản xuất 2

Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Phan Thị Thắng phát biểu.

Nhìn chung các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện gần 210.000 tỷ đồng, đạt hơn 54% dự toán năm, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Theo lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM, 5 tháng qua, thuế thu nhập doanh nghiệp thu được tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng rất cao. Tuy nhiên, nguồn thu thuế này tăng nhiều chủ yếu do doanh nghiệp còn nhiều nguyên liệu sản xuất từ quý 4 năm 2021 chuyển sang.

“Tình hình tuyển dụng lao động mở rộng sản xuất của doanh nghiệp vẫn khó khăn, cộng thêm áp lực về giá nguyên vật liệu, giá đầu vào thì cũng ảnh hưởng đến áp lực sản xuất. Vấn đề về thu hút vốn FDI giảm. Có một điều cần lưu ý là về thu ngân sách trong 5 tháng tăng 19,5%. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu thêm thì thu cho hoạt động sản xuất sản phẩm chúng ta chỉ tăng có 11,7%. Nếu chúng ta loại trừ chỉ số giá liên quan đến ngành sản xuất, đẩy chi phí xăng dầu lên, thì đóng góp trong tăng trưởng của GDP về thuế chỉ ở mức 2%, qua đó cho thấy là tồn tại các yếu tố chưa bền vững trong sản xuất”, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục thống kê Thành phố phân tích thêm.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ở góc độ của ngành tài chính, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính cho hay: “Tiếp tục rà soát và đề xuất các cơ quan đơn vị sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định 67 đối với các cơ sở nhà đất trước đây đã được UBND Thành phố phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá nhưng chưa thực hiện. Để tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu theo ngân sách nhà nước, trong đó, thực hiện chuyên sâu đối với 4 chuyên đề là kiểm soát hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, quản lý thu đối với các hoạt động kinh doanh thương mai điện tử, thanh kiểm tra sau hoàn thuế và quản lý thu đối với lĩnh vực nhà đất và mở rộng hoạt động chuyên đề, quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà, mặt bằng kinh doanh”.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “Chúng ta cũng nhận thấy rằng, các doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, rất nhiều vướng mắc đang chờ các ngánh các cấp đồng tâm phối hợp để chúng ta giải quyết. Kinh tế Thành phố có phục hồi và tăng trưởng nhưng phục hồi còn chậm so với cùng kỳ và so với tốc độ chung của cả nước, đây là điều chúng ta cũng cần phải suy nghĩ thêm”.

Bình luận