Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

TPHCM: 9 tháng xử phạt hơn 129.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn

TPHCM - Công an TPHCM cho biết 9 tháng qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt 129.845 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 1.244 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023).

So với cùng kỳ giảm 79 vụ TNGT (-7%), giảm 167 người chết (-33%).  Riêng Phòng CSGT Công an Thành phố đã phát hiện, xử lý 72.078 trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, ma túy.

Trong đó có 72.066 trường hợp người điều khiển phương tiện trên đường có nồng độ cồn, so cùng kỳ tăng 23.622 trường hợp (48,7%).

Qua phản ánh của phóng viên gần đây, có tình trạng CSGT đột ngột chặn đường xe đang lưu thông để thổi nồng độ cồn là cách xử lý thô bạo, có thể gây ùn tắc giao thông.

Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt tiền nồng độ cồn
Ảnh minh họa: Internet

Phản hồi vấn đề này trong cuộc họp báo về tình hình KT-XH TPHCM chiều 26/9 tại Trung tâm báo chí TPHCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà- Phó phòng tham mưu Công An TPHCM khẳng định: Việc kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm liên quan nồng độ cồn của lực lượng CSGT Công an Thành phố tại các tuyến đường trên địa bàn Thành phố nói chung và tại khu vực đường Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5 (gần trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) nói riêng không gây ra ùn tắc giao thông. Lực lượng Cảnh sát giao thông sử dụng phương pháp đo nồng độ cồn 2 lần.

Cụ thể, lần 1: Lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành theo phương pháp kiểm tra định tính (dùng phễu để xác định người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở).

Khi dừng, kiểm tra phương tiện, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ yêu cầu người điều khiển phương tiện thổi một hơi thở định tính (hành động diễn ra trong thời gian từ 3 - 5 giây).

Trường hợp không vi phạm, người điều khiển phương tiện tiếp tục tham gia giao thông. Trường hợp phát hiện vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục tiến hành đo định lượng lần 2.

Kiểm tra lần 2 nếu có dấu hiệu vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ yêu cầu người vi phạm đưa phương tiện vào khu vực xử lý.

Tại đây, Cảnh sát giao thông dùng máy đo định lượng (máy dùng ống thổi) nhằm xác định mức độ vi phạm; sau đó tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định.

Do đó, có thể khẳng định rằng việc lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố kiểm tra nồng độ cồn tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông (việc đi lại của người dân, gây kẹt xe…).

Cũng theo  thượng tá Lê Mạnh Hà, tuyến đường Nguyễn Văn Cừ là tuyến đường “huyết mạch” nối các quận Trung tâm Thành phố như: Quận 1, Quận 3, Quận 5 và đi các quận/huyện như: Quận 7, Quận 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Vì vậy lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tương đối cao; người tham gia giao thông đa dạng; việc vi phạm liên quan nồng độ cồn cũng diễn biến phức tạp.

Thực tế qua công tác kiểm tra xử lý, nhận thấy hầu hết tình trạng người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia tại các quán ăn, quán nhậu thuộc khu vực trung tâm Thành phố, sau đó di chuyển qua tuyến đường này để về nhà ở các quận/huyện khác thuộc ngoại ô Thành phố.

Trong 9 tháng đầu năm 2024 (từ 15/12/2023 đến 14/9/2024), Đội CSGT Bến Thành - đơn vị quản lý tuyến đường Nguyễn Văn Cừ đã tăng cường kiểm soát nồng độ cồn, qua đó đã phát hiện xử lý 1717 trường hợp vi phạm liên quan đến người điều khiển phương tiện trên đường có nồng độ cồn.

Bình luận