Đây là mức sinh rất thấp khiến thành phố lo ngại cơ cấu dân số thay đổi theo chiều hướng già hóa.
Những năm qua, thành phố luôn nằm trong nhóm những tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước.
Hơn 20 năm qua, tỷ suất sinh của thành phố đều thấp hơn mức sinh thay thế mà Việt Nam đang duy trì (2 đến 2,1/mẹ). Nguyên nhân chính là ở những vợ chồng trẻ ngại sinh con vì nhiều áp lực trong cuộc sống hiện tại.
“Ngại” sinh con đang là tình trạng chung của nhiều phụ nữ ở TPHCM, nhất là với phụ nữ trẻ, lối sống hiện đại, thích tự do, muốn phát triển sự nghiệp, trải nghiệm cuộc sống trước khi lập gia đình.
Trong khi với nhiều phụ nữ đã lập gia đình, việc ngại sinh con lại đến từ những áp lực về kinh tế, sức khỏe, công việc, điều kiện chăm sóc con cái… Áp lực kinh tế khi sinh con và nuôi dạy con ở TPHCM khiến nhiều bà mẹ e ngại sinh thêm con.
Trong khi tỉ lệ người cao tuổi ở TPHCM đang ngày càng tăng. Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, năm 2022, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) của thành phố là 1.033.355 người, chiếm tỉ lệ 11,03%.
Những số liệu này cho thấy TPHCM đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số. Mức sinh thấp kéo theo nhiều hệ lụy, tạo ra những bất lợi do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh.
Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp của thành phố, ngành y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, đồng tình ủng hộ thực hiện thông điệp "Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con".
Việc sinh đủ hai con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của Thành phố, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.