Bên cạnh những ý kiến góp ý liên quan đến các dự án luật dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, nhiều cử tri còn quan tâm đến đề án Chính quyền đô thị và đề án thành lập thành phố Thủ Đức trong buổi tiếp xúc.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang đánh giá cao những ý kiến đóng góp rất trách nhiệm của cử tri các Quận 1, Quận 3 và Quận 4 và cho rằng đó là những ý kiến rất sát với tình hình của đất nước, của Thành phố. Qua đó sẽ giúp cho các Đại biểu Quốc hội có thêm những thông tin quan trọng để khi thảo luận, cho ý kiến tại diễn đàn Quốc hội được cụ thể hơn.
Những ý kiến của cử tri liên quan đến thẩm quyền của Thành phố, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các sở ngành, địa phương giải quyết và phản hồi cho người dân đúng quy định.
Trước đó trong phần phát biểu, một số cử tri cũng đánh giá cao và đồng tình với đề án Chính quyền đô thị và đề án thành lập thành phố Thủ Đức mà Thành phố đang triển khai.
Theo ông Nguyễn Hữu Châu, cử tri Quận 3, thì Thành phố cần tiến hành theo lộ trình chặt chẽ: “Người dân hoan nghênh việc Thành phố tổ chức lấy ý kiến dân về việc thành lập Chính quyền đô thị và thành phố Thủ Đức. Dù sao cần thận trọng vì dân là gốc của mọi vấn đề. Thành phố mang tên Bác cần làm giàu chính đáng và cần hơn là làm cho dân hạnh phúc”.
Liên quan đến đề án Chính quyền đô thị cũng nhận được ý kiến của cử tri băn khoăn vì nếu bỏ đi Hội đồng nhân dân thì cơ quan nào sẽ thực hiện chức năng giám sát.
Nội dung này được Đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng, Bí thư Quận ủy Quận 9, giải thích để người dân hiểu hơn về đề án: “Nội dung chính của đề án Chính quyền đô thị là không tổ chức HĐND ở quận, ở phường. Còn cấp Thành phố thì vẫn còn HĐND. Chúng tôi rất vui khi người dân quan tâm và đồng tình ủng hộ đề án, đều này sẽ tiếp thêm niềm tin cho các đại biểu khi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội sắp tới”.
Trả lời ý kiến các cử tri về đề án thành lập thành phố Thủ Đức, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang cho rằng, TPHCM với vai trò trách nhiệm đi đầu cả nước nên cần phải luôn tạo ra động lực mới để phát triển, nếu không sẽ tụt hậu, không tương xứng với vai trò vị trí của một đô thị đặc biệt.
“Thành phố Thủ Đức sẽ là mô hình tích hợp các lĩnh vực đang là thế mạnh của TPHCM, các ngành nghề chủ lực có độ kết nối cao. Tại đây đào tạo gắn với nghiên cứu, gắn với sản xuất, với logistics. Ứng dụng công nghệ để kết nối các ngành với nhau và tạo nên giá trị phát triển bền vững”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang đánh giá.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy cũng cho biết, hiện lãnh đạo TPHCM đang làm việc với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp sắp tới bởi nếu không nhanh, TPHCM sẽ phải chờ ít nhất 5 năm nữa. Và nếu mọi việc suôn sẻ thì dự kiến đến tháng 5/2021 sẽ bầu hệ thống chính trị ở đơn vị hành chính mới này.
Xem thêm: