Chờ...

TPHCM định hướng phát triển nhà ở dọc theo các tuyến metro

(VOH) - TPHCM phấn đấu tăng tổng diện tích nhà giai đoạn 2021-2025 đạt 50 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 367.000 căn nhà.

TPHCM định hướng sẽ phát triển nhà ở tại các khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm: tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đi qua TP Thủ Đức; tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đi qua các quận: Tân Phú, 12; tuyến Metro số 3a Bến Thành - Tân Kiên đi qua các quận, huyện: Bình Tân, Bình Chánh…

Đây là những thông tin được lãnh đạo TPHCM đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 và công bố kế hoạch 10 năm tới, sáng 10/3.

nhà ở
TPHCM định hướng phát triển nhà ở dọc theo các tuyến metro trong  giai đoạn 2021-2025 (Ảnh: HL)

Đối với nhà ở xã hội, giai đoạn 2021-2025, TPHCM dự kiến phát triển 500.000 m2 sàn nhà ở cho thuê, với khoảng 7.000 căn hộ; nhà lưu trú công nhân tăng 220.000 m2, khoảng 4.500 căn hộ. 5 năm tiếp theo, TPHCM muốn tăng thêm 816.000 m2 nhà cho thuê với 11.600 căn hộ; và 480.000 m2 nhà lưu trú công nhân với 8.000 căn hộ.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, giai đoạn 2021-2025, TPHCM định hướng phần lớn tương lai của nhà thu nhập thấp là cho thuê, chứ không phải để bán. Các vướng mắc liên quan đến quy hoạch nhà lưu trú công nhân, Sở Xây dựng đang cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc giải quyết.

Để tạo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, chủ động tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thông qua tổ chức phát triển quỹ đất; Hoàn thiện các cơ chế thực hiện quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở kinh doanh.

Đọc thêm: Sắp có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, lãi vay thấp hơn từ 1,5-2%

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tổ chức phát triển quỹ đất cần có cơ chế hoạt động của doanh nghiệp để có thể chủ động thực hiện các quyền đối với đất đai của một tổ chức kinh tế, có thể chủ động huy động vốn dưới nhiều dạng khác nhau để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch.

Thành phố hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với 280.000 lao động, trong đó trên 60% là người ngoại tỉnh. Đến nay, Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) đã xây 16 công trình nhà lưu trú công nhân với gần 21.000 chỗ ở đáp ứng khoảng 15% người có nhu cầu.

Trong đó, cả giai đoạn 2016-2020, thành phố chỉ có một dự án nhà lưu trú công nhân rộng 7 ha với 1.449 phòng, đáp ứng 7.600 chỗ ở, tại Khu công nghiệp Đông Nam.

Những bất cập đối với việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân tại các KCX, KCN hiện hữu như: Không còn quỹ đất chưa khai thác, sử dụng để điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, các công trình phục vụ tiện ích người lao động khác ngay trong ranh KCX, KCN.