Chờ...

TPHCM khẩn cấp ứng phó không để lây lan dịch tả heo châu Phi

(VOH) - TPHCM mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con heo từ các tỉnh đưa về. Tại TP có gần 4.000 hộ chăn nuôi heo, công tác phòng chống dịch tại TP đang diễn ra tích cực. 

Tính đến thời điểm này, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện gần 300 xã, 62 huyện thuộc 19 tỉnh thành phố của Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn... gần đây nhất là Thừa Thiên - Huế.

Nghe bài viết:

Hiện cả nước có hơn 34.000 con heo bị tiêu huỷ, chiếm 0,1% so với tổng đàn heo của cả nước. So với tổng đàn, số heo bị tiêu huỷ vẫn còn rất thấp. Theo cơ quan chức năng, toàn bộ số heo nhiễm bệnh, nghi có bệnh dù heo khỏe vẫn đều bị tiêu huỷ, người tiêu dùng không nên lo lắng về chuyện heo có bệnh bị tuồn ra ngoài thị trường. Tuy dịch tả heo châu Phi đang diễn biến khá phức tạp, bệnh này không lây nhiễm sang người, do đó người chăn nuôi và người tiêu dùng cũng không nên quá hoang mang.

TPHCM, dịch tả heo Châu Phi

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn heo bị dịch tả heo châu Phi ở Thừa Thiên - Huế. Ảnh: TTO

Tại TP.HCM, đến nay vẫn chưa phát hiện tình hình dịch bệnh. Tuy vậy, mới đây, UBND TP có công văn yêu cầu các sở ngành liên quan tích cực có biện pháp ngăn chặn, phòng dịch bệnh lây lan vào TP. Đồng thời, yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ gia súc trái phép, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh để tránh lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi.  

Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết đang yêu cầu các quận huyện, sở ngành tập trung vào ba nhóm giải pháp chính: tăng cường lực lượng kiểm soát tại các đầu mối giao thông từ các tỉnh vào. Trên các trục giao thông liên thông từ TP ra các tỉnh; Tăng cường kiểm soát tại các điểm giết mổ, các cơ sở chế biến, chợ đầu mối… Đặc biệt kiểm soát nguồn nhập vào để đảm bảo nguồn này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tăng cường kiểm soát giết mổ trái phép.

TPHCM có 12 lò giết mổ tập trung nên việc kiểm soát cũng dễ dàng. Về biện pháp ngăn chặn, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm cho hay đã bố trí lực lượng cùng tham gia với anh em thú y, tổ chức các đoàn liên ngành để chốt chặn, kiểm tra. Thứ hai, đối với các chợ đầu mối, tăng cường kiểm tra kiểm soát nguồn gốc thịt heo. Ở đây cả hai biện pháp, biện pháp truyền thống là giấy tờ chứng minh thú y và đeo vòng truy xuất. Đồng thời với kinh nghiệm của anh em thú y để nhìn, quan sát và phối hợp cùng lực lượng bên Chi cục thú y để phát hiện kịp thời. Cho tới giờ này, chưa phát hiện heo bị dịch tả heo châu Phi.

Trong cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, dịch tả này gây ra tổn thất không ít cho người dân, không nên xem nhẹ. “Công tác tuyên truyền cần chú ý, dịch tả này làm tổn hại rất lớn về mặt kinh tế, ảnh hưởng đến mưu sinh của người dân, đừng xem nhẹ”, ông Phong lưu ý các sở ban ngành.

Lượng tiêu thụ thịt heo an toàn tăng lên từng ngày

Hiện nay, 70% tiêu dùng thực phẩm trong nước là dùng thịt heo. Mỗi ngày, TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo từ các tỉnh đưa về.  Số thịt heo hiện đang lưu hành trên thị trường là thịt đảm bảo an toàn. Theo bà Hồ Thị Hồng Đào, Phó Giám đốc Marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), khi có thông tin heo dịch, người tiêu dùng bất an, tuy nhiên sức mua tại các điểm bán thịt heo của Saigon Co.op như Co.op Mart, Co.op Xtra, Co.op Food trên cả nước không bị ảnh hưởng. Ngược lại, số tiêu thụ thịt heo an toàn tăng lên từng ngày: “Ngay khi có thông tin về dịch bệnh, SaiGon Co.op lập tức áp dụng mọi biện pháp để kiểm soát nguồn thịt heo tốt nhất. Ngoài việc tăng tần suất kiểm soát, thì hệ thống Saigon Co.op tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo an toàn khi bán cho khách hàng. Hiện nay nguồn gốc thịt heo đang bán tại Co.op Mart, Co.op Xtra, Co.op Food trên cả nước chủ yếu nhập hàng từ các đầu mối uy tín, hàng đầu Việt Nam, như Vissan, Nam Phong, Agri food hầu hết thịt heo từ nguồn gốc này đều đạt tiêu chuẩn VietGap, do đó người tiêu dùng có thể yên tâm mua thực phẩm này tại hệ thống Sai Gon Co.op”

TPHCM đảm bảo được nguồn thịt heo sạch, an toàn từ các kênh phân phối

Lượng thịt heo tiêu thụ ở TP.HCM có đến 80% là nhập từ các tỉnh về. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh heo châu Phi xuất hiện tại một số tỉnh thành trong cả nước, lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo các ban ngành tăng cường kiểm tra, rà soát và ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh xâm nhập vào TP.HCM. Tuy sức mua thịt heo trên thị trường gần đây có giảm nhẹ do tâm lý lo lắng của người tiêu dùng, tuy nhiên với việc kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo được nguồn thịt sạch, an toàn từ các kênh phân phối siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, tin rằng người tiêu dùng sẽ không quay lưng với thịt heo sạch…Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOH phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc An – Tổng Giám đốc công ty Vissan. 

Ông Nguyễn Ngọc An – Tổng Giám đốc công ty Vissan. Ảnh: ceobank

VOH: Thưa ông, những ngày qua dịch tả heo châu Phi bùng phát gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, về phía doanh nghiệp sản xuất, chế biến như Vissan có bị ảnh hưởng nhiều không?

Ông Nguyễn Ngọc An: Thời điểm này, cả nước có 20 tỉnh thành công bố có ổ dịch tả heo Châu Phi. Việc này ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Người tiêu dùng lo lắng và e ngại sử dụng thực phẩm, và như vậy thị trường trong thời gian vừa qua có hơi ảm đạm. Chính tâm lý đó, một số người tiêu dùng người ta chuyển từ thịt heo qua thịt bì, thịt gà hay hải sản và một số người ta e ngại không sử dụng nữa. Đối với Vissan, là một đơn vị cung cấp thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến.

Đối với thực phẩm tươi sống ở thị trường TP.HCM vừa qua, riêng Vissan thì không ảnh hưởng nhiều bởi có sự dịch chuyển từ kênh truyền thống của công ty giảm trong khi kênh hiện đại như siêu thị, các cửa hàng tiện lợi có xu hướng tăng.

VOH: Việc sản xuất, giết mổ và chế biến thịt heo được thực hiện theo quy trình như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc An: Vấn đề này mang tính chuỗi, nghĩa là để đảm bảo an toàn thì phải đảm bảo từ nguồn cung cấp nguyên liệu. Và trong trường hợp dịch tả heo Châu Phi này diễn ra như thế, việc quản lý nguồn nguyên liệu đầu vào hết sức chặt chẽ, phải đảm bảo điều kiện trong suốt chuỗi đầu ra thì mới được.

Riêng khâu giết mổ của công ty, đây là nhà máy hiện đại mà, các quy trình đều luôn đảm bảo sản xuất sạch an toàn, quan trọng nhất là nguồn heo đầu vào làm sao phải đảm bảo không có dịch tả heo Châu Phi thì mới được.

VOH: Như vậy nguồn nguyên liệu đầu vào được kiểm soát như thế nào để đảm bảo nguồn hàng đưa vào hệ thống được an toàn?

Ông Nguyễn Ngọc An: Đối với nguồn nguyên liệu, Vissan liên kết với tất cả các trang trại lớn và có cam kết, kiểm soát chặt chẽ về phòng bệnh, dịch tễ, các điều kiện chăn nuôi để đảm bảo không lây nhiễm virut của dịch tả heo Châu Phi. Và trong suốt quá trình đó thì khâu vận chuyển từ các trang trại đảm bảo này phải có chứng nhận đầu vào của cơ quan thú y, nhà nước ở từng địa phương chứng nhận được nguồn nguyên liệu này không nằm trong vùng dịch bệnh. Kể cả việc khi đưa thịt vào công ty Vissan, công ty cũng có những khâu lấy mẫu thử để khẳng định sản phẩm của mình an toàn, không có dịch bệnh trước khi tung ra thị trường.

VOH: Xin cảm ơn ông!