TPHCM khan hiếm vaccine ngừa bệnh dại

(VOH) - Nhiều cơ sở y tế tại TPHCM đang khan hiếm vaccine phòng dại.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM) thông báo đã cạn kiệt vaccine dại. Nhân viên bệnh viện hướng dẫn người dân đến những cơ sở y tế tư nhân khác để kịp tiêm phòng bệnh.

Đại diện bệnh viện cho biết, bệnh viện thường xuyên rơi vào tình trạng khan hiếm vaccine ngừa dại, lượng vaccine ngừa dại mới về cũng "nhỏ giọt" và chậm. 

vaccine dại
Nhiều cơ sở y tế tại TPHCM đang khan hiếm vaccine phòng dại.

Tình trạng khan hiếm vaccine ngừa dại cũng xảy ra tại Viện Pasteur TPHCM từ giữa năm 2022. Chiều 21/4, truy cập vào website Viện Pasteur TPHCM, tại bảng danh mục các vaccine có 19 loại/nhóm loại vaccine nhưng phần lớn đều trong trạng thái hết, trong đó có vaccine dại.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) có 4 cơ sở tổ chức tiêm vaccine phòng dại cũng như các bệnh khác nhưng cả 4/4 cơ sở đều hết vaccine dại Indirad, 3/4 cơ sở hết vaccine dại SPEEDA, 1/4 cơ sở hết vaccine Abhayrab và Verorab.

Đọc thêm: Chính phủ yêu cầu thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo trong từng khu dân cư

Bệnh dại là bệnh nguy hiểm và chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều có tỉ lệ tử vong gần như 100%.

Đến nay, chưa ai dám khẳng định súc vật đã tiêm phòng thì không bị bệnh dại. Vì vậy, ngay khi bị cắn, người bệnh vẫn phải xử trí tại chỗ vết thương ngay và đến các cơ sở y tế để được tiêm vaccine ngừa dại.

Cục Thú y cho biết, năm 2022, cả nước ghi nhận 70 người tử vong do bệnh dại tại 25 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Nghệ An và Quảng Bình. Nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh dại gia tăng là do tổng đàn chó, mèo của cả nước hiện đã lên tới gần 7 triệu con, trong khi tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp, đạt khoảng 40%.

Nguy cơ dịch bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới rất cao, do bước vào mùa nắng nóng.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại lây từ động vật có vú (chó, mèo, dơi,…) sang người thông qua tiếp xúc với vết thương hở, dẫn đến nhiễm trùng não và thần kinh nặng, dễ gây tử vong. Trong đó, 99% ca bệnh dại có nguồn lây từ chó nhiễm virus dại. 

Theo VNVC, trên thế giới hiện nay xuất hiện khá nhiều loại vaccine phòng bệnh dại với các mẫu mã, nguồn gốc và giá cả khác nhau. Trong đó có 7 loại vaccine phòng dại phổ biến là: Verorab, Abhayrab, Indirab, Rabipur, Speeda, HDCV, PCECV.

VNVC khuyến cáo, người bị chó cắn nên tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn; Không tiêm huyết thanh trễ hơn 7 ngày sau ngày tiêm liều đầu tiên vaccine dại; Người đã tiêm dự phòng trước phơi nhiễm hoặc sau phơi nhiễm ít nhất 3 mũi vaccine dại: Tiêm 2 mũi vào các ngày 0-3.

Bình luận