Chờ...

TPHCM khánh thành nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam

TP HCM - Ngày 30/8, TPHCM diễn ra lễ khánh thành công trình mở rộng mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM (thuộc dự án cải thiện môi trường nước TPHCM, giai đoạn 2).

Tại lễ khánh thành, ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, chia sẻ: Dự án được thi công từ năm 2015 đến năm 2020 và một số gói thầu tiếp tục thi công đến nay.

Dự án có quy mô và khối lượng thi công, các hạng mục công trình rất lớn, qua địa bàn 8 quận huyện với tổng diện tích lưu vực hơn 2.500ha, dân số khoảng 1,8 triệu người.

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có công suất 469.000 m3/ngày, lớn nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay. Khi hệ thống này vận hành, toàn bộ hệ thống nước thải sinh hoạt trong khu vực trung tâm thành phố với tổng diện tích là 3.000 ha, với khoảng 3,4 triệu dân sẽ được thu gom xử lý tại đây, không xả trực tiếp ra kênh. Như vậy, việc ô nhiễm kênh Tàu Hủ-Bến Nghé sẽ được xử lý.

base64-17249865603671840948516
Toàn cảnh nhà máy nước thải Bình Hưng tại huyện Bình Chánh, TPHCM - Ảnh: TTO

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Xuân Cường - phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết qua nội dung báo cáo của chủ đầu tư, đến nay các hạng mục của dự án nâng công suất xử lý nước thải đã được hoàn thành và chính thức khánh thành.

Thành phố trân trọng biểu dương chủ đầu tư, các cơ quan ban ngành liên quan đã cố gắng hoàn thành, đạt được những kết quả tốt. Đồng thời, gửi lời cảm ơn các tổ chức, hộ dân ảnh hưởng đến dự án trong thời gian triển khai vừa qua.

TPHCM cảm ơn Jica Nhật Bản vì đã hỗ trợ vốn, hợp tác với thành phố trong các dự án vừa qua và tiêu biểu là dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2. TPHCM hy vọng sẽ hợp tác, gắn kết bền chặt với Chính phủ Nhật Bản, cùng Jica nhiều hơn trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết: "Sau buổi lễ khánh thành này, chúng tôi đề nghị chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các thủ tục, cách thức vận hành nhà máy, chuyển sang giai đoạn vận hành ổn định”.