Chờ...

TPHCM: Nghiêm cấm can thiệp, tác động xử lý vi phạm về giao thông

VOH - Kế hoạch của UBND TPHCM nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ trọng tâm:

Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và các lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông.

Trong xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị. 

TPHCM: Nghiêm cấm can thiệp, tác động xử lý vi phạm về giao thông 1
TPHCM ra văn bản tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, như điều khiển phương tiện quá tốc độ cho phép, vi phạm nồng độ cồn, ma túy, cơi nới thành, thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải…

Tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông”, trước hết trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến Nhân dân. 

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho việc chỉ đạo điều hành công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Khẩn trương góp ý hoàn thiện dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông, Luật Đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng tăng nặng mức xử phạt những hành vi nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, chở hàng vượt quá tải trọng cho phép…

Kịp thời khắc phục các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” về tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, các bất cập về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị,...

Thường xuyên rà soát, điều chỉnh và tổ chức giao thông khoa học, gắn với công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Xây dựng lộ trình thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với phát triển kinh tế - xã hội;

Tập trung xử lý các điểm nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn TP và các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm kết nối liên tỉnh.