Tại kỳ họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra sáng nay 19/7 do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong chủ trì, một vấn đề được quan tâm là việc chậm giải ngân nguồn vốn đối với các dự án trên địa bàn, trong đó công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân dẫn đến trì trệ tiến độ các dự án.
Từ khi tiếp nhận các dự án từ các Sở Y tế, Văn hóa, Lao động và Giáo dục, tổng số dự án hiện nay của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM là 116 dự án với nguồn vốn đợt 1 là 978 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, giải ngân đạt tỷ lệ 36%.
Riêng 7 dự án trọng điểm của Thành phố, trong đó, dự án Bệnh viện Ung Bướu trễ tiến độ đã hơn 8 tháng do khó khăn về thiết kế lập dự án kéo dài, quá trình thi công có điều chỉnh về thiết kế. Hiện khu khám đã cơ bản hoàn thành. Hiện thầu xây dựng và thầu trang thiết bị tháng 12/2019 sẽ hoàn thành.
Riêng 4 gói thầu xạ trị sẽ hoàn thành vào quý 1/2020. 3 bệnh viện cửa ngõ còn lại là Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, dự kiến khởi công hai bệnh viện Củ Chi và Hóc Môn vào năm 2020. Riêng bệnh viện Thủ Đức 2020 lập dự toán đấu thầu, dự kiến 2021 sẽ khởi công bệnh viện đa khoa Thủ Đức…
Kỳ họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra sáng 19/7
Ông Võ Đức Thanh – Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM cho biết, trong giai đoạn 5 năm, Ban sẽ khởi công và hoàn thành là 50 dự án. Cũng theo ông Thanh, trong số gần 3.900 tỷ đồng, Ban đã bố trí 1.074 tỷ đồng, chiếm 30% cho nhóm công tác đền bù giải tỏa.
Trong số 105 dự án chuyển tiếp của các quận huyện thì có hơn 90% dự án đều vướng đền bù.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cũng nhìn nhận, chỉ tiêu đặt ra 172 km đường sẽ được triển khai xây dựng trong nhiệm kỳ này, nhưng đến giờ mới chỉ đạt trên 30%, trong đó, tiến độ chậm cũng do một phần nguyên nhân là giải phóng mặt bằng.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Võ Văn Hoan thừa nhận hiện Thành phố chưa tính đủ tính đúng cho người dân bị giải tỏa, mặc dù có chính sách hỗ trợ thêm nhưng rất nhỏ, đây cũng là điểm yếu khi Thành phố làm phương án bồi thường: "Ngoài bồi thường bằng đất, chúng ta tính tới thiệt thòi của người dân khi di chuyển nơi khác trong một thời gian nhất định và phải tính ra bằng giá trị để đưa vào khung giá bồi thường hoặc nằm trong phương án hỗ trợ.…”
Một vấn đề khác được Chủ tịch UBND Thành phố đề cập đó là tính hiệu quả khi đầu tư khai thác các công trình và đem lại nguồn thu cho ngân sách. Ông Phong dẫn chứng ở Singapore, ban đầu nhà thi đấu sẽ do nhà nước bỏ tiền ra đầu tư quản lý, sau đó không hiệu quả mới giao lại cho tư nhân. Họ biết cách khai thác, thu hút khách, thể thao kết hợp với du lịch để có nguồn thu và đóng thuế cho Nhà nước: “Bây giờ giao cho tư nhân làm, quản lý. Trong năm đó, có bao nhiêu sự kiện thể dục thể thao tổ chức tại đó thì mình hợp đồng với họ, còn lại cho họ khai thác. Họ khai thác, trở thành một dịch vụ của thể dục thể thao, như vậy, hiệu quả sử dụng công trình sẽ rất tốt”.