TPHCM: Số người đi tiêm vaccine bạch hầu tăng đột biến 

VOH - Tối 11/7, Viện Pasteur TPHCM cho biết số người đi tiêm vaccine bạch hầu trong ba ngày 9, 10 và 11/7 lên đến 400 liều. Số người đến tiêm tăng đột biến nên Viện Pasteur thông báo tạm hết vaccine. 

Số người đi tiêm vaccine trong ba ngày gần đây đã vượt hơn tổng số vaccine bạch hầu được tiêm trong tháng 4, tháng 5, tháng 6 trước đó tại Viện Pasteur.

Theo đại diện Viện Pasteur TPHCM, vaccine bạch hầu không phải là vaccine hiếm. Tại các trung tâm tiêm chủng như trung tâm y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức, các trung tâm tiêm chủng trên địa bàn đều có sẵn vaccine. Người dân có thể đến tiêm vaccine bạch hầu tại những điểm tiêm này.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố, bệnh dễ lây lan, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

Benh-Bach-Hau
Nhân viên y tế chuẩn bị vaccine bạch hầu kĩ càng

Theo Bộ Y tế, gần đây đã có một số ca bệnh bạch hầu xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu. Còn trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong trên. 

HCDC đánh giá "nguy cơ lan truyền bạch hầu đến TPHCM là có thể xảy ra do thành phố có mật độ dân cư đông đúc, giao thông thuận lợi, và thường xuyên đón du khách, lao động từ các tỉnh khác".

Tuy nhiên khả năng mắc và lây lan bệnh còn phụ thuộc vào mức độ miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu.

Theo HCDC, người dân có thể chủ động phòng chống bệnh bằng cách tiêm chủng. Tỉ lệ miễn dịch cộng đồng càng cao, khả năng mắc và lây lan bệnh càng thấp.

Video:  Nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu tại TPHCM

Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa được bằng vaccine và mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi và những người chưa có miễn dịch với bệnh do chưa được tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm chưa đầy đủ.

Ca bệnh bạch hầu gần nhất ghi nhận tại TPHCM vào năm 2020 là một người từ tỉnh thành khác đến học tập và sinh sống tại thành phố.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh nhân mắc bạch hầu thường xuất hiện triệu chứng ban đầu điển hình như sốt, đau họng, khó chịu, mệt, ăn kém, da hơi xanh, sổ mũi một bên hoặc hai bên có thể lẫn máu.

Sau khoảng 2 - 3 ngày, xuất hiện giả mạc ở amidan hoặc thành sau họng hoặc mũi với đặc điểm màu trắng ngà hoặc xám, bóng, dai, dính chặt, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu.

Bệnh bạch hầu rất dễ lây lan, bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi.

Bình luận