TPHCM tăng cường các giải pháp kiểm soát thị trường dịp Tết Tân Sửu

(VOH) - Kiểm soát xử lý vi phạm gian lận thương mại hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường truyền thống thời gian qua có nhiều chuyển biến.

Với chủ đề “Thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Thực trạng và giải pháp”, sáng nay 26/12 chương trình đối thoại cùng chính quyền TP do Thường trực HĐND và Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) phối hợp tổ chức.

Nghe bài viết:

Kiểm soát xử lý vi phạm gian lận thương mại hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường truyền thống thời gian qua có nhiều chuyển biến. Năm 2020 dù găp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng các lực lượng chức năng Thành phố đã đạt được kết quả tích cực trong công tác đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên theo thông lệ vào thời điểm trước Tết Nguyên đán tình hình sẽ phức tạp, do đó các lực lượng chức năng đã xây dựng kế hoạch từ khá sớm. Thượng tá Nguyễn Thanh Nguyên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về chức vụ kinh tế và buôn lậu (PC 03) Công an TPHCM cho biết: “Phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh phòng ngừa các hình thức vi phạm. Tập trung các hành vi đầu cơ, gian lận thương mại. Kiến nghị khởi tố một số vụ án để răn đe”.

Chương trình đối thoại cùng chính quyền Thành phố sáng 26/12/2020. Ảnh: K.H

Thời gian qua, bên cạnh các mặt hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm…thì việc tham gia bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trước tình trạng vi phạm nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các mặt hàng thực phẩm cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Cùng với thị trường truyền thống, việc mua bán thực phẩm trên không gian mạng đang thực sự là thách thức cho các cơ quan chức năng, trong đó với vai trò của  mình bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cũng đã có những phương án sẵn sàng cho mùa tết năm nay: “Tập trung kiểm soát nguồn nguyên liệu để sản xuất hàng hóa tết. Tất cả các bếp ăn tập thể đã được kiểm tra, theo chúng tôi phòng ngừa và đề phòng vẫn là khâu quan trọng nhất”.

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đã xác định hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm mà sản phẩm có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, gây ngộ độc, gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ bị xử lý hình sự. Pháp luật có quy định rõ ràng nhưng cái khó hiện nay của các cơ quan chức năng là người tiêu dùng ngại phản ánh, tố cáo khi mua phải hàng hóa kém chất lượng, nên trong quá trình kiểm tra xử lý gặp khó khăn. Từ thực tế này ông Hà Trung Cang, Cục phó Cục Quản lý thị trường Thành phố đề nghị người tiêu dùng khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm thì phản ánh đến cơ quan chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường: “Khi phát hiện hàng giả thì bà con gửi phản ánh đến Cục QLTT hoặc qua số điện thoại 02839321394 để được tiếp nhận và giải quyết theo đúng quy định. Khi có kết quả xử lý sẽ thông tin lại để bà con biết”.

Các cơ quan chức năng cũng cho biết sắp tới sẽ  kiểm tra, giám sát xử lý các doanh nghiệp sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái, không an toàn thực phẩm. Nhất là trong thời gian từ nay đến sau tết nguyên đán Tân Sửu 2021 các ngành Quản lý thị trường, Công an, Ban An toàn thực phẩm Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết góp phần đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh cho thị trường.