Việc quản lý chặt chẽ bữa ăn trường học trở thành một yêu cầu cấp thiết của người dân và toàn xã hội. Tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TPHCM công tác giám sát, kiểm tra bếp ăn, bữa ăn bán trú đã và đang tích cực thực hiện. Để nắm rõ về cơ chế quản lý bữa ăn, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM xung quanh việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.
Nghe phỏng vấn:
Bữa ăn được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm của Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, Quận 8.
VOH: Những ngày qua, dư luận xã hội đang quan tâm về việc nhiều học sinh bị nhiễm sán từ bữa ăn trong trường học, với góc độ quản lý trường học, bà có ý kiến như thế nào về thực trạng này?
Bà Bùi Thị Diễm Thu: Trong những ngày qua, dư luận phụ huynh quan tâm tình trạng học sinh bị nhiễm sán ở Bắc Ninh, tôi nghĩ đây là sự quan tâm chính đáng vì nó liên quan đến sức khoẻ con em người dân. Khi nắm những thông tin này chúng tôi có chỉ đạo các trường phải rà soát lại việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong nhà trường.
VOH: Ngành Giáo dục có những giải pháp quản lý an toàn thực phẩm các bếp ăn, suất ăn trong trường học như thế nào, khi mà thực tế, ở Bắc Ninh các đơn vị cung cấp suất ăn vẫn có đầy đủ các chứng nhận về điều kiện kinh doanh theo quy định?
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM
Bà Bùi Thị Diễm Thu: Năm 2017 Sở GD&ĐT cũng đã phối hợp với ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố ký kết một văn bản liên tịch về việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học. Chúng tôi cũng đã phân chia nhiệm vụ của 2 ngành, Sở GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường học bằng cách nhắc nhở các trường khi mua các thực phẩm đưa vào trường chế biến, các công ty cung cấp phải có đầy đủ giấy tờ chứng nhận theo chuỗi an toàn thực phẩm của thành phố, cũng như những tiêu chuẩn về VietGap, GlobalGap. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch hàng năm đều có kiểm tra các bếp ăn, căn tin tại trường học và cũng chỉ đạo các trường phải tự kiểm tra hàng ngày, giao hiệu trưởng chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho các em học sinh.
Ngoài ra, hàng năm Sở GD&ĐT cũng phối hợp với Ban quản lý An toàn Thực phẩm thành phố tập huấn cho hiệu trưởng, cấp dưỡng nhà trường thực hiện tự kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại đơn vị của mình. Hiện nay, cũng đang có các dịch bệnh về heo Châu Phi, chúng tôi cũng nhắc nhở các trường, khi nhập thịt, thực phẩm phải chọn những nhà cung cấp truy xuất được nguồn gốc, cũng như có chứng nhận về đảm bảo an toàn thực phẩm do thành phố cấp.
VOH: Hiện nay phụ huynh đóng vai trò như thế nào trong việc chọn lựa giám sát thực phẩm đưa vào trường học?
Bà Bùi Thị Diễm Thu: Chúng tôi đã chỉ đạo các trường là khi tổ chức các bữa ăn cho học sinh thì phải thông báo đầy đủ đến phụ huynh, biết được việc hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm trong nhà trường cũng như những công ty cung cấp suất ăn cho học sinh phải được chứng nhận của ban Quản lý an toàn thực phẩm và có thông tin trên website của Ban để phụ huynh tiện việc theo dõi.
VOH: Trước chỉ đạo của Bộ Giáo dục về việc huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường vào việc giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP sẽ có những bước triển khai như thế nào?
Bà Bùi Thị Diễm Thu: Việc huy động Ban Đại diện Cha mẹ học sinh tham gia vào việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho các em, Sở cũng đã chỉ đạo trước đây, các trường, trong các buổi họp phụ huynh đầu năm học và theo định kỳ phải thông báo rõ cho phụ huynh biết tên, địa chỉ các công ty trường hợp đồng để tiện theo dõi.
Đối với những trường hợp hợp đồng suất ăn công nghiệp, cũng phải mời phụ huynh cùng tham gia vào, có thể đến công ty đó tham quan cách tổ chức nhập nguyên vật liệu, thực phẩm.
VOH: Phụ huynh có thể đến kiểm tra bếp ăn bất cứ lúc nào?
Bà Bùi Thị Diễm Thu: Việc bước vào bếp ăn phải có sự phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh. Vì bếp ăn cần đảm bảo sự an toàn cho các em học sinh, nên không thể bất kỳ lúc nào, mà phải có kế hoạch trước.
Đến thời điểm này, chúng tôi thấy việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với ngành giáo dục thành phố rất tích cực. Trong những năm gần đây tình trạng học sinh ngộ độc thực phẩm giảm hẳn. Chúng tôi luôn ý thức việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong nhà trường là việc rất quan trọng, đảm bảo sức khoẻ cho các thế hệ học sinh.
VOH: Xin cảm ơn bà!