Ngày 25/4, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chủ trì buổi họp trực tuyến tổng kết công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020.
Toàn cảnh hội nghị.
Năm 2019, thời tiết trên địa bàn Thành phố có nhiều diễn biến phức tạp, mùa khô nắng nóng có nền nhiệt cao nhưng không gay gắt và kéo dài, trên địa bàn thành phố không xảy ra cháy rừng. Tại huyện Cần Giờ, công tác trồng rừng đã thực hiện trồng mới 50 ha rừng trên đất bãi bồi; Hoàn thành công tác khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 57 ha…
Ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: “UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo công tác quản lý đất đai, xây dựng trong rừng phòng hộ, qua đó đã xử lý 13 trường hợp vi phạm… Đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính là 16 quyết định. Trong năm 2020 nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, huyện sẽ hoàn chỉnh quy chế tổ chức hoạt động của Ban Quản lý rừng phòng hộ để trình UBND TP ban hành, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm khai thác lâm sản, xây dựng, lấn chiếm đất rừng.”
Trong năm 2019, trên biển Đông đã xuất hiện 8 cơn bão và 6 cơn áp thấp nhiệt đới. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 2 đợt lốc xoáy và mưa giông, có 6 đợt triều cường lớn, 3 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Là thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho 300 cán bộ, chiến sĩ, thuyền trưởng và ngư dân.
Theo Thượng tá Trần Thanh Đức, Phó Chỉ huy trưởng – Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng thì công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển vẫn còn một số vấn đề tồn tại như: thông tin trao đổi chậm mà công tác tìm kiếm cứu nạn đòi hỏi nhanh, công tác nắm xảy ra tai nạn đôi lúc còn chưa chính xác dẫn đến triển khai lực lượng ra vị trí tìm kiếm chậm:
“Trong năm qua, đơn vị cũng thấy nổi lên những vấn đề cần quan tâm, công tác phối hợp giữa các lực lượng chủ yếu là tốt rồi, nhưng thông tin trao đổi vẫn còn chậm. Đặc biệt là thông tin của các ngư dân, của người dân làm ăn trên biển không được đảm bảo. Vấn đề thứ hai là ý thức của người dân còn chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai.” - Thượng tá Trần Thanh Đức nói.
Vùng nước Cảng biển TPHCM là khu vực cảng biển sầm uất bậc nhất của cả nước, trung bình hằng năm có hơn 20 ngàn lượt tàu biển và gần 100 ngàn lượt phương tiện thủy nội địa ra, vào các cảng biển TPHCM, thuận lợi cho giao thương hàng hải. Cảng vụ Hàng hải TPHCM tổ chức công tác thường trực 24/24 đảm bảo tiếp nhận liên tục và xử lý kịp thời thông tin về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ông Ngô Quang Hưng – Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP – cho hay: “Chúng tôi cũng xác thực và đánh giá mức độ và tính chất của vụ việc, và đồng thời sau khi xác thực xong và đánh giá xong thì thông báo kịp thời cho lãnh đạo để có thông tin xử lý triển khai. Đồng thời, chúng tôi cũng liên hệ nhanh chóng với các đơn vị phối hợp để cử lực lượng ra hiện trường.”
Năm 2019, Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư 124 công trình phòng chống thiên tai, tiêu thoát nước, đê, kè… Tổ chức duy tu, nạo vét 647,125km lòng cống thoát nước, 83 tuyến kênh rạch và cửa xả, gần 25.600 hầm ga… Thành phố đã tập trung ưu tiên triển khai đầu tư các công trình chống ngập, chống sạt lở, đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng, chống thiên tai, đê bao kết hợp giao thông nông thôn, góp phần hạn chế mức độ ảnh hưởng và thiệt hại do thiên tai gây ra so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ bờ sông, kênh, rạch chưa được xử lý triệt để gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Tình trạng xả rác thải, chất thải gây bồi lắng, tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường…
Nhiệm vụ năm 2020, UBND TP sẽ quản lý, đầu tư, duy tu, đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai, ngập lụt, sạt lở, thủy lợi để bảo vệ dân cư và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh: “Thường trực Ban chủ trì, phối hợp quận huyện phải rà soát lại các kênh mương, lĩnh vực xung yếu… Tới mùa triều cường lên, dễ sạt lở, đặc biệt những khu dân cư sạt lở nhà trôi sông như huyện Nhà Bè, quận 2, Cần Giờ… những chỗ này dòng chảy sông rất lớn. Phải rà soát lại để có cái nhìn tổng thể với Ủy ban. Trước khi đề xuất, các đồng chí cần phối hợp liên ngành, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Giao thông vận tải,… để chúng ta làm cho tốt."