Chờ...

TPHCM tìm giải pháp từ những tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng đô thị thông minh

(VOH) - “Đô thị thông minh phải là đô thị nhân văn, không một người dân nào bị bỏ lại phía sau”.

Tại Diễn đàn hợp tác Việt Nam – Pháp 2018 về đô thị thông minh và bền vững sáng 4/7, các doanh nghiệp Pháp, Việt giới thiệu những giải pháp đối với các lĩnh vực, kiến trúc, giao thông, năng lượng quản lý chất thải, xử lý nước cho một đô thị thông minh.

đô thị thông minh

UBND Thành phố ký kết với Tổng lãnh sự quán Pháp biên bản ghi nhớ về quản lý chất lượng không khí.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) cho biết, hàng năm tập đoàn này đầu tư 500 triệu Euro vào nghiên cứu vào ngành năng lượng, đô thị thông minh như: công tơ thông minh, truyền tải thông minh. Đây là cơ hội để tập đoàn này trao đổi các chiến lược đầu tư cho đô thị thông minh của TP.HCM.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT, Tập đoàn này cung cấp các dịch vụ số phục vụ cho các tổ chức và doanh nghiệp trong chuyển đổi số để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh; hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu những công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), blockchain… để ứng dụng vào các lĩnh vực cấp thiết, trọng tâm của Việt Nam hiện nay như: nông nghiệp, y tế, giáo dục, quy hoạch đô thị. Ở Hà Nội, tập đoàn này được UBND Thành phố Hà Nội chọn triển khai giải pháp thông minh cho du lịch. Ở Sapa, Đà Lạt thì cung cấp wifi công cộng, cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách

“Việc xây dựng Thành phố thông minh, VNPT hiện tại hợp tác với hơn 20 tỉnh thành phố trong cả nước để tư vấn và triển khai các giải pháp về đô thị thông minh. Tiêu biểu như TP.HCM, Hà Nội, cho đến đô thị nhỏ hơn. Tại TP.HCM, chúng tôi cũng rất vinh dự được lựa chọn là đơn vị tư vấn để xây dựng lộ trình tổng thể, xây dựng đô thị thông minh cho TP.HCM”, ông Huỳnh Quang Liêm cho biết.      

đô thị thông minh

Ông Huỳnh Quang Liêm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT chia sẻ các sáng kiến cho Thành phố thông minh.

Bà Lê Thu Hương – Trưởng phòng đại diện Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại TP.HCM cho biết, đơn vị này từng cấp vốn 50 triệu Euro cho TP.HCM hỗ trợ những giải pháp hạ tầng giao thông. Trước đó cũng đã ký dự án cấp vốn cho Chính phủ Ấn Độ 100 triệu Euro xây dựng 10 đến 15 dự án đô thị thông minh dành cho khoảng trên 10 thành phố tại Ấn Độ.

“Hiện nay tại TP.HCM chúng tôi đang tìm cách làm việc với ADB, ngân hàng phát triển Đức để cùng đồng hành với Thành phố phát triển tuyến đường sắt đô thị. Chúng tôi hy vọng sẽ được hợp tác vì đây là những dự án rất lớn, các nhà tài trợ cũng đã làm việc quen với nhau”, bà Lê Thu Hương nói.

Tại diễn đàn này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ, đô thị thông minh không phải là mục tiêu mà phải là giải pháp. Thành phố tìm giải pháp từ những tiến bộ khoa học công nghệ, tăng cường đối thoại dân chủ giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Không chỉ xây dựng đô thị mang tính kỹ thuật số mà phải là đô thị nhân văn, trong đó, tính kết nối mà đô thị mang đến để không một người dân nào của người dân Thành phố nào bị bỏ lại phía sau.

“Đề án này chúng tôi cho rằng có hai vấn đề lớn, một là góp phần cho tăng trưởng bền vững kinh tế Thành phố bằng những quy hoạch và định hướng thông minh. Thứ hai, xây dựng những tiện ích để phục vụ người dân Thành phố để TP.HCM trở thành Thành phố có chất lượng sống tốt”, ông Tuyến thông tin.

Xây dựng thành phố thông minh cần có giải pháp phù hợp với từng thành phố khác nhau hướng tới phát triển bền vững, công nghệ dành cho con người, kết hợp yếu tố công và tư, trong đó, cần lưu ý yếu tố bảo tồn di sản văn hóa.