TPHCM: Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh

(VOH) - Qua phong trào chung sức nông thôn mới, đến nay, TPHCM đã huy động được hơn 21.900 hộ dân hiến đất làm đường, với diện tích hơn 267 hécta, ước kinh phí gần 2.400 tỷ đồng.

Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vùng nông thôn thành phố đã được thực hiện khá đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng; khẳng định chủ trương xây dựng nông thôn mới là đúng đắn kịp thời và hợp lòng dân. Khi nhắc đến thành công của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội thông qua phong trào thi đua “Thành phố Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Một tuyến đường nông thôn mới tại ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ được xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm

Một tuyến đường nông thôn mới tại ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ được xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ảnh: SGGP

Qua phong trào chung sức nông thôn mới, đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã huy động được hơn 21.900 hộ dân hiến đất làm đường, với diện tích hơn 267 hécta, ước kinh phí gần 2.400 tỷ đồng. Lũy tiến thực hiện xây dựng nông thôn mới, Thành phố đã đầu tư hơn 9.300 công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần thực hiện an sinh xã hội, kết nối giao thương, phát triển sản xuất. Thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục cơ sở được chú trọng đầu tư đúng mức, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn.

Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh,  khẳng định: "Đây là chương trình phù hợp, được đông đảo người dân trên địa bàn TP ủng hộ và cùng chung sức xây dựng Nông thôn mới. Chúng ta có thể thấy rằng nguồn lực đầu tư cho Nông thôn mới trong những năm vừa qua là rất lớn. Nhưng ngân sách nhà nước chỉ đóng góp, đầu tư khoảng 16%, còn lại là người dân, doanh nghiệp huy động để tổ chức thực hiện chương trình với hơn 64.000 tỷ cho chương trình của chúng ta. Và như vậy có sự chuyển biến rất lớn trong vận động, chung sức của người dân tham gia chương trình".

Nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân đã thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Nhân dân vừa là chủ thể, vừa là người hưởng lợi từ thành quả xây dựng nông thôn mới. Từng hộ dân, tất cả lực lượng nhân dân thấy được lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài đã hăng hái tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Một số người dân cho biết: "Theo tôi thấy, nông thôn mới ở huyện Củ Chi đến nay phát triển rất nhiều, nhiều đường cũng sạch đẹp, nông dân bây giờ cũng phát triển, chăn nuôi cũng có tiến bộ"; "Về công tác bảo vệ môi trường, trong các cuộc họp tổ nhân dân, tôi tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ vệ sinh môi trường, đăng ký thu gom rác và bỏ rác đúng nơi quy định, trang bị thùng đựng rác, phân loại rác tại nguồn, ấp tôi cũng thường xuyên ra quân hàng tháng để dọn vệ sinh các tuyến đường".

Trong giai đoạn 2010 – 2015, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các địa phương triển khai cuộc vận động, thi đua “Nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng nông thôn mới như: Tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, chăm lo nhà ở cho người nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở thông qua việc đẩy mạnh xây dựng khu phố, ấp an toàn, văn minh, sạch đẹp.

Bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Với những chức năng nhiệm vụ của mình, trong thời gian vừa qua, gắn với thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, Mặt trận cũng đã tham gia 15/19 tiêu chí, trong đó có những nét nổi bật như: Phong trào phát huy vai trò của Mặt trận tham gia nâng cao thu nhập của người dân. Trong đó, Mặt trận cũng đã phát huy được tình làng nghĩa xóm, phát huy được truyền thống nghĩa tình của nhân dân Thành phố để đồng hành cùng với hộ nghèo hộ cận nghèo, cũng như là những hộ còn khó khăn ở 5 huyện".

Cần Giờ trong 24 quận, huyện luôn là huyện nghèo nhất qua bao lần nâng chuẩn thu nhập hộ nghèo của thành phố Hồ Chí Minh. Qua 3 năm thực hiện có hiệu quả chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2018, đời sống của người dân nghèo ở huyện được cải thiện rõ rệt. Phấn đấu đến cuối năm 2019, 6 xã của huyện Cần Giờ sẽ đạt tiêu chí hộ nghèo; Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 56/56 xã đạt tiêu chí hộ nghèo.

Và để đạt được kết quả này, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố nhấn mạnh cần có các giải pháp đồng bộ: "Về các giải pháp giảm nghèo đối với huyện Cần Giờ: Ngay từ đầu năm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh ngay từ đầu năm tập trung các giải pháp đặc biệt, đã cùng với huyện rà soát cụ thể từng hộ, từng thành viên của hộ, nhu cầu, để từ đó phân loại từng nhu cầu để cùng với huyện xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực từ ngân sách Thành phố, nguồn lực chung sức để có thể chăm lo và hỗ trợ cụ thể; Tiếp tục đẩy mạnh mô hình phát triển sinh kế để vay vốn làm ăn, giải quyết việc làm; Tập trung tuyên truyền vận động người dân học bổ túc văn hóa, học nghề; Tiếp tục hỗ trợ về nhà ở; Tiếp tục thực hiện các chính sách xã hội…".

Rõ ràng, nhờ sự vào cuộc, hỗ trợ của các đoàn thể chính trị - xã hội đã góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Thành phố phấn đấu đến cuối năm, đối với cấp xã, dự kiến bình quân số tiêu chí đạt chuẩn trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố là 18/19 tiêu chí, có 51/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn nâng cao 2016 – 2020; đối với cấp huyện, dự kiến bình quân số tiêu chí đạt chuẩn trên địa bàn vùng nông thôn thành phố là 8/9 tiêu chí, có 2/5 huyện (huyện Bình Chánh và huyện Cần Giờ) cơ bản đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo quy định.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: "Nông thôn mới là một tiến trình thực hiện theo hướng ngày một đi lên, phát triển ngày càng tốt hơn. Đạt được tiêu chí không phải là kết quả cuối cùng, mà chỉ là đánh giá mức độ đạt được trong từng giai đoạn cụ thể theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con nông dân, bà con ngoại thành,  những huyện xây dựng nông thôn mới".

Hiện nay và trong thời gian tới, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh luôn cố gắng thực hiện các nội dung để tiếp tục cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường sự đồng thuận trong dân, chung tay xây dựng nông thôn thành phố với kết cấu hạ tầng khang trang, sản xuất phát triển góp phần đưa thu nhập hộ tăng cao; xuất hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị, ngành nghề nông thôn được khôi phục, phát triển, nâng cao thu nhập, giải quyết nông nhàn, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng cải thiện.

Bình luận