Sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học trong nông nghiệp từ xưa đến nay không phải là chuyện quá xa lạ, tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong canh tác lâu dài có thể gây ảnh hưởng lớn không chỉ đến rau màu mà còn đến cả môi trường đất và nước tại khu vực canh tác.
Thời gian qua nhiều nơi tại TPHCM đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản đầu ra gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Qua các buổi tập huấn về liều lượng pha chế thuốc trừ sâu, người dân được hướng dẫn về liều lượng, cách pha chế thuốc bảo vệ thực và thời gian phun thuốc. Người trồng rau phải ký vào cam kết không sử dụng các loại thuốc cấm trong sản xuất nông nghiệp.
Được mệnh danh là thủ phủ của cây rau muống, từ lâu cây rau muống đã trở thành cây trồng chủ lực tại xã Bình Mỹ. Ở xã có khoảng 231 hộ trồng rau muống với diện tích 276 ha, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 28.000 tấn với giá giao động từ 5 -10 ngàn đồng cho 1kg, trong đó hơn 1 nửa số hộ đã chuyển hướng trồng theo quy chuẩn VietGap.
Trước sự tăng cường kiểm tra giám sát của địa phương đã hạn chế đáng kể việc sử dụng tràn lan các loại thuốc cho cây trồng, cũng như các chất cấm, các chất phụ gia giữ cho rau thành phẩm được xanh. Tình trạng dùng chất thải dầu nhớt để tạt rầy cũng không còn xuất hiện.
Để tuân theo mô hình chuẩn VietGap yêu cầu thực phẩm phải hữu cơ, không sử dụng phẩm màu hay hóa chất, vai trò của thổ nhưỡng cũng không được xem nhẹ.
Tại các buổi tập huấn về mô hình trồng rau an toàn, người dân được hướng dẫn về việc thu gom bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng phải để đúng nơi quy định, giảm thiểu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường từ trồng trọt.
Trước những yếu tố thất thường như sâu bệnh, thời tiết thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là chuyện không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc đưa ra liều lượng, quy chuẩn sử dụng thuốc, đẩy mạnh cam kết sử dụng thuốc đúng liều lượng, trồng rau màu an toàn, bảo vệ môi trường đã và đang được người dân quan tâm và đón nhận.