Theo Ban Dân tộc TPHCM, thời gian qua, Ban Dân tộc cùng với đoàn thể thành phố và Ban an toàn giao thông thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, thực hiện hiệu quả trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông với các hình thức: xây dựng Kế hoạch phối hợp trong tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đồng thuận, hưởng ứng thực hiện hiệu quả chủ đề Năm an toàn giao thông hàng năm với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”...
Ban Dân tộc TPHCM phối hợp tuyên truyền vận động bằng tờ rơi, khẩu hiệu, truyền thanh nội bộ, cổ đồng đường phố, phối hợp tuyên truyền miệng hàng tháng, hướng dẫn về đảm bảo an toàn giao thông.
TPHCM vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyên truyền còn những tồn tại như: tuyên truyền chậm được đổi mới về nội dung và hình thức, chưa lan tỏa, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu trên địa bàn thành phố nói riêng.
Thành ủy – UBND TPHCM chỉ đạo Ban dân tộc cần đổi mới công tác tuyên truyền, đi vào chiều sâu, không hình thức, đúng nội dung, đúng đối tượng. Từ đó, để người dân có ý thức chấp hành pháp luật về giao thông tốt hơn; thực hiện tốt công tác vận động để người dân tích cực hỗ trợ trực tiếp tuyên truyền cho gia đình, người dân và cộng đồng dân cư cùng thực hiện.
Đưa nội dung tuyên truyền vào cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều biện pháp
Tại buổi tọa đàm, nhiều mô hình, cách làm hay về tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho bà con người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố đã được các quận, huyện chia sẻ như mô hình của Ban An toàn giao thông quận 6 “Vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn quận tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông” trong thời gian sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây.
Trung tá Phùng Viết Chánh, Ban An toàn giao thông quận 6 chia sẻ: “UBND quận chỉ đạo các thành viên Ban ATGT quận và 14 phường thực hiện đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, gắn tuyên truyền với các hoạt động xã hội khác nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Từ đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực chấp hành pháp luật về giao thông, góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông. Thời gian qua không có trường hợp người dân tộc thiểu số nào vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông”.
Tại buổi tọa đàm, UBND phường 1, quận 8 cũng đã chia sẻ về mô hình tuyên truyền vận động đồng bào Chăm thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông. UBND phường 1 đã phối hợp Mặt trận tổ quốc và các Đoàn thể phường cùng thực hiện công tác tuyên truyền, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Đặc biệt là chú trọng tuyên truyền cho cộng đồng người dân tộc Chăm.
Bên cạnh đó, Phường chú trọng tuyên truyền thông qua cuộc động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với 3 tiêu chí là xây dựng gia đình văn hóa, tích cực vận động các hộ gia đình và nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa giao thông. Đặc biệt là ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông, từ đó làm cho ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và văn hóa giao thông trong cộng đồng dân tộc Chăm được nâng cao.
Ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó chủ tịch UBND phường 1 quận 8 cho biết: “Các buổi tổ chức tuyên truyền được tổ chức thông qua các buổi sinh hoạt tôn giáo tại Thánh đường. Bên cạnh đó, Ban quản trị Thánh đường cũng tích cực phối hợp tuyên truyền trong đồng bào giáo dân về nội dung của các cuộc vận động liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn”.
Đại diện cộng đồng người Hoa, người Hồi giáo ở thành phố cũng chia sẻ ý kiến, đồng thời mong muốn lực lượng chức năng, nhất là lực lượng CSGT tăng cường và thường xuyên có mặt ở các giao lộ để hỗ trợ điều hòa giao thông cũng như xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm luật lệ giao thông .
Về vấn đề ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông hiện nay quá kém, ông Lưu Ngọc đại diện câu lạc bộ người Hoa cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền thì nên chú trọng đến công tác giáo dục: “Giáo dục là phải từ bé. Mong rằng, 20-30 năm sau, Việt Nam chúng ta cũng sẽ như nước Đức. Khi đèn đỏ thì tất cả đều dừng lại đúng vạch. Như thế thì mới mong kéo giảm được tai nạn giao thông. Còn hiện tại nếu mỗi chúng ta chấp hành tốt luật lệ giao thông thì bảo đảm được 90% không xảy ra tai nạn. Còn lại 10% xuất phát từ các khía cạnh khác như về phương tiện, đường xá …”
Tại buổi tòa đàm “Cuộc vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố”, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố cho rằng, để thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thành phố khâu quan trọng nhất là phối hợp giữa các đơn vị, sở ngành, quận huyện sao cho chặt chẽ và hiệu quả. Từ đó, công tác tuyên truyền mới thật sự đi sâu và đúng đối tượng của đồng bào dân tộc thiểu số tại TPHCM.
Hình thức tuyên truyền phải xem đến tính phù hợp và sinh động để thu hút hơn và tiết kiệm nhưng có chiều sâu; chú trọng đến công tác giáo dục trong công tác đảm bảo an toàn giao thông và văn hóa giao thông cho các em từ nhỏ.
Ban An toàn giao thông cho biết, sẽ rà soát lại công tác tuyên truyền trong lĩnh vực an toàn giao thông liên quan đến các tài liệu, cẩm nang cho người dân tộc sử dụng tiếng Chăm, tiếng Hoa và các tiếng dân tộc khác sao cho dễ hiểu.
“Khi có được sự ủng hộ của những người uy tín của các dân tộc và uy tín của các tổ chức, đơn vị thì tình hình trật tự an toan giao thông trên địa bàn thành phố sẽ được cải thiện, kéo giảm được số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông và khắc phục từng bước tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”.