Sáng 18/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức tọa đàm “Bàn giải pháp tuyên truyền vận động đồng bào tín ngưỡng, tôn giáo không đốt, rải vàng mã trong việc tang, lễ hội trên địa bàn TPHCM”.
Toàn cảnh tọa đàm
Thực tế tại TP hiện nay vẫn còn đốt nhiều đồ mã, rắc rải vàng mã và tiền trên đường đưa tang, khóc thuê, hát nhạc ầm ĩ, để thi hài quá lâu, xây dựng mồ mả phô trương... Đặc biệt là với suy nghĩ mê tín dị đoan rằng “trần sao âm vậy” nên người dân đốt quá nhiều và đốt đủ thứ một cách sa đà, lãng phí gây nên nhiều hệ lụy, làm cho ô nhiễm môi trường, tốn kém về tài chính, thậm chí hỏa hoạn và nhiều vấn đề kèm theo dẫn đến tiêu cực, mất đi ý nghĩa ban đầu.
Đốt vàng mã là vấn đề nan giải từ nhiều năm qua, Giáo hội, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch khuyến cáo nhưng không thuyên giảm. Vì vậy, cần có sự chung tay của cộng đồng, các cấp chính quyền mới mong giảm được.
Theo ông Dương Hoàng Lộc – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo Trường đại học Khoa học Xã hội nhân văn TPHCM, trên thực tế cuộc sống cũng khó để thực thi nhưng đây là một kiến nghị nhân văn vì xã hội, vì cộng đồng. Nếu như làm tốt công tác truyền thông, làm tốt công tác dân vận thì cái gì có lợi cho cuộc sống, có lợi cho dân, thì dân sẽ ủng hộ.
"Chuyện đốt vàng mã thuộc về vấn đề văn hóa, tập tục truyền thống, đã ăn sâu, bám rễ vào trong người dân. Vì vậy chúng ta phải tuyên truyền việc đốt vàng mã là không phù hợp với lối sống văn minh hiện nay và cũng không có ý nghĩa về mặt tâm linh, là điều lãng phí lớn với xã hội. Chúng ta sẽ vận động tuyên truyền bằng cách thay vì đốt vàng mã trong tang ma thì sử dụng kinh phí đó vào việc giúp đỡ cho hộ nghèo trên địa bàn. Như vậy sẽ có lợi ích thiết thực hơn với XH, cộng đồng và với cả bản thân gia đình", ông Lộc gợi ý.
Theo Thượng tọa Thích Trực Giáo - Ủy viên hướng dẫn phật tử TP, chỉ thị 27 của Bộ Chính trị có hiệu lực gần 10 năm nay nhưng hầu như quận huyện không thực hiện, không có xử phạt hành chính không hiệu quả.
Thượng tọa Thích Trực Giáo, đề xuất: "Khi người nhà có người thân qua đời họ đến báo tử thì nhân viên nhà nước cấp cho họ cái giấy nói về việc tổ chức tang lễ trong trang nghiêm, văn minh và phải thực hiện 3 không: không đốt và rải vàng mã trên đường phố, không đàn ca hát múa quá 22 giờ đêm và không nhậu nhẹt thâu đêm. Thứ hai là Nhà nước mình phải kêu gọi những người kinh doanh phục vụ cho đám tang nếu để cho người nhà của người mất ngồi trên xe mà rải giấy tiền vàng mã khi đi đưa tang trên đường phố thì mình có thể phạt hành chính hay rút giấy phép kinh doanh".
Có cầu thì mới có cung, vì vậy bên cạnh việc tuyên truyền bỏ đốt vàng mã thì nhà nước cần làm gì để những làng xã và hộ dân mưu sinh bằng nghề sản xuất vàng mã chuyển đổi ngành nghề như thế nào?
Về vấn đề này bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết việc người dân tiếp cận nguồn vốn để vay chuyển đổi ngành nghề đó là việc không khó khăn. Vấn đề là Mặt trận đoàn thể tiếp cận người dân để hướng dẫn, giải thích cũng như động viên họ chuyển đổi ngành nghề đó mới là giải pháp quan trọng nhất làm sao để người dân có thể tiếp cận nguồn vốn này đó là vai trò của Mặt trận đoàn thể và các cấp chính quyền.
Cũng theo bà Tô Thị Bích Châu, việc xử lý và tuyên truyền hiện nay chưa hiệu quả, vì chúng ta có có thói quen là tình làng nghĩa xóm, nghĩa tử là nghĩa tận nên khi có tang gia thì đến để chia buồn. Vì vậy chúng ta muốn tuyên truyền phải hết sức khéo léo, phải linh hoạt và mềm dẻo, tránh làm tổn thương đến gia đình khi có hữu sự. Giải pháp hiện nay là vận động làm sao để người dân thấy rằng đó là việc không văn minh, không nên làm và cũng không có hiệu quả gì với ước mong thầm kín ở thế giới bên kia thì mới thay đổi được ý thức, hành vi của người dân./.