Chủ trì buổi giao ban tại điểm cầu Thành ủy Thành phố có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Tại điểm cầu UBND Thành phố có đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành cùng lãnh đạo các quận, huyện tại các điểm cầu địa phương.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Hiện tại TPHCM có tổng số trường hợp nhiễm COVID-19: 54 ca đã được Bộ Y tế công bố (35 ca nhập cảnh chiếm tỷ lệ 64,8%, 19 ca phát hiện từ cộng đồng chiếm 35,2%); 45 ca đã xuất viện; 01 trường hợp dự kiến xuất viện trong ngày 15/4/2020; 08 ca đang tiếp tục điều trị với tình trạng sức khỏe ổn định. Trong ngày có 02 trường hợp đã lấy mẫu và đang đợi kết quả.
Số trường hợp đang cách ly tập trung trong ngày: 97 trường hợp, trong đó: Khu cách ly tập trung của thành phố: 72 người; Cơ sở cách ly tập trung quận, huyện: 25 người; Số trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong ngày: 155 người.
Giám sát hành khách đến thành phố trong ngày: 05 chuyến bay quốc tế thực hiện khai báo y tế đối với 28 người là thành viên tổ bay; 04 chuyến bay quốc nội thực hiện khai báo y tế 470 người, lấy mẫu xét nghiệm 466 hành khách; 01 chuyến tàu lửa khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm cho 379 hành khách. Chưa phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh COVID-19.
Theo báo cáo từ 24 quận, huyện, đến ngày 14/4 đã có 6.292 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiến hành tự đánh giá theo Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus Corona tại doanh nghiệp. Kết quả, có 3.727 doanh nghiệp (59,2%) tự đánh giá mức rất ít rủi ro lây nhiễm (chỉ số CRLN <10%); 2.483 doanh nghiệp (39,5%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp (chỉ số CRLN 10-30%); 77 doanh nghiệp (1,2%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình (chỉ số CRLN 30-50%); 05 doanh nghiệp (0,1%) có mức rủi ro lây nhiễm cao (chỉ số CRLN 50-80%); Không có doanh nghiệp nào tự đánh giá có mức rủi ro lây nhiễm rất cao (chỉ số CRLN 80-100%)
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện và y tế địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc tự đánh giá của các doanh nghiệp và thẩm định các chỉ số đánh giá tại doanh nghiệp.
Kết quả, 758 doanh nghiệp (44,9%) có mức rất ít rủi ro lây nhiễm; 895 doanh nghiệp (53,1%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp; 33 doanh nghiệp (2%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình.
Đối với 22 doanh nghiệp có trên 3.000 lao động: 10 doanh nghiệp (45,5%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp; 11 doanh nghiệp (50%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình; 01 doanh nghiệp (4,5%) có mức rủi ro lây nhiễm rất cao (Công ty Pouyuen).
Xét nghiệm sàng lọc giám sát công nhân lưu trú trong các khu công nghiệp, khu chế xuất: đến ngày 14/4/2020 đã xét nghiệm cho 1.294 công nhân tại khu lưu trú của Khu chế xuất Tân Thuận, tất cả đều có kết quả âm tính.
Đến 10g00 sáng 15/4, đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho 36.066 trường hợp là những người nhập cảnh, người nghi ngờ mắc bệnh và người tiếp xúc với các ca bệnh.
Sau khi nghe các sở ngành, quận huyện báo cáo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện đánh giá Bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm đối với doanh nghiệp qua mạng; phối hợp với các nhà mạng viễn thông hoàn thiện các phương án kỹ thuật triển khai giám sát mật độ thuê bao tại các khu vực cộng đồng, trước mắt có thể thí điểm tại một số quận trung tâm.
Sở Y tế chỉ đạo việc xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro về dịch Covid-19 đối với các bệnh viện trên địa bàn Thành phố, để tránh khả năng lây nhiễm trong bệnh viện. Bên cạnh đó, ngành giáo dục và các ngành khác cũng cần xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá riêng, hoàn thành trước 30/4/2020 và bắt đầu triển khai đánh giá từ đầu tháng 5 để sớm ổn định lại đời sống cũng như các hoạt động khác.
TPHCM tiếp tục giám sát việc thực hiện quy định về cách ly xã hội, phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố. Trong đó, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; lưu ý tại các địa điểm như siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm cho biết: Thủ tướng Chính phủ vừa có kết luận đồng ý kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và một số địa phương có nguy cơ cao đến ngày 22/4/2020. Vì vậy, TPHồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố có liên quan trước đó.
Qua đó, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm yêu cầu: Tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ về chỉ đạo 6 điều cần làm của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và 12 việc cần làm ngay của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong để hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Các khách sạn, homestay, các cơ sở lưu trú… trên địa bàn vẫn tiếp tục ngừng nhận khách cho đến khi có chỉ đạo mới; Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí Thành phố tích cực tuyên truyền để người dân yên tâm và không tích trữ lương thực, thực phẩm. Thành phố hiện có hơn 1.400 điểm bán khẩu trang và 2.610 điểm bán lương thực, thực phẩm… với nguồn hàng dồi dào để phục vụ nhu cầu của người dân trong bất cứ tình huống nào xảy ra; Giao Sở Giáo dục phối hợp với Sở Y tế xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm Covid-19 trong các trường học để khẩn trương trình UBND Thành phố.
Trong quá trình xây dựng, cần lấy ý kiến các trường và cơ sở giáo dục. Đồng thời, các ngành, cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn…cũng cần xây dựng Bộ tiêu chí riêng; Sở Giáo dục nghiên cứu và tham mưu cho UBND về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên trên địa bàn Thành phố; Lực lượng chức năng của các Sở, ngành và quận/huyện cần tăng cường hỗ trợ tối đa cho 62 chốt kiểm dịch của Thành phố; quan tâm hơn nữa đến đội ngũ “tuyến đầu” chống dịch; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phối hợp với quận Bình Tân tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khắc phục mức độ rủi ro tại Công ty TNHH PouYen Việt Nam trước khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại. Nếu Công ty chưa đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch thì tiếp tục dừng sản xuất.
Phó chủ tịch Lê Thanh Liêm cũng yêu cầu toàn Thành phố tiếp tục quán triệt phương châm 5 “tại chỗ”, tuyệt đối không chủ quan, không lơ là; vừa chống dịch vừa phải đảm bảo cuộc sống người dân và một số hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện có dịch bệnh.
TPHCM, Hà Nội và các địa phương trong nhóm "nguy cơ cao" cách ly xã hội đến 22/4 - (VOH) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội ở một số địa phương, trong đó có TP.HCM và Hà Nội.