Chờ...

Trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục thì liên hệ ai?

(VOH) - Các hội viên đã thảo luận xung quanh thực trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, nguyên nhân và giải pháp...

Chiều (22/3), Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 11 tổ chức hội thảo chuyên đề phòng, chống xâm hại, bạo hành trẻ em trong gia đình nhằm tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm và phát huy năng lực của các cấp Hội phụ nữ, đội ngũ tuyên truyền viên, hội viên tham gia vào công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ các vụ việc về bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Không để xảy ra tình trạng các vụ xâm hại, bạo lực đối với trẻ em biết mà không lên tiếng kịp thời.

Các hội viên đã thảo luận xung quanh thực trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, nguyên nhân và giải pháp; việc thu thập và bảo vệ chứng cứ trong các vụ án xâm hại, bạo hành trẻ em; nâng cao nhận thức pháp luật cho trẻ em, vai trò gia đình, nhà trường và xã hội; Các kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và bảo vệ chứng cứ…

Trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục thì liên hệ ai? 1
Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Hương, Tổ trưởng Tổ tư vấn cộng đồng Khu phố 1, phường 8, Quận 11 chỉ ra các phương thức, thủ đoạn xâm hại tình dục trẻ em, đối tượng bị xâm hại tình dục khi trẻ lên mạng xã hội: “Sự riêng tư và thông tin cá nhân của trẻ vô tình bị công khai trên mạng dẫn đến các em dễ bị cô lập. Các ấn phẩm đồi trụy tràn lan trên mạng, ngay cả những web khiêu dâm, độc hại, rồi clip đánh nhau… điều này sẽ làm cho các em học theo rồi tập làm người lớn khi tuổi còn quá trẻ. Trẻ rất dễ bị xâm hại tình dục, trở thành đối tượng mại dâm, là đối tượng của nạn buôn bán trẻ em. Có những em còn rất nhỏ, chỉ vì sự khiêu khích của các bạn mà khoe cơ thể trên mạng và trở thành đối tượng mại dâm”.

Chia sẻ kinh nghiệm “Bảo vệ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục” 2
Bà Trần Thị Thanh Hương chia sẻ tại hội thảo

Nói về giải pháp, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Để bảo vệ các em chúng ta phải luôn nhắc nhở các em  nguyên tắc sau: Cơ thể của các em là của các em và vĩnh viễn  không ai được động tới. Khi gặp người quen hay người lạ đều phải tránh xa ít nhất 1 mét. Trong trường hợp không có ai bên cạnh thì la lên, kêu cứu. Bên cạnh đó là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của cha mẹ. Cha mẹ phải luôn luôn tin tưởng trẻ em, tin tưởng con mình. Nhiều em sau khi nói chuyện bị xâm hại ra với người nhà nhưng người nhà không tin để khi xảy ra trường hợp đáng tiếc rồi mới hối hận, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhấn mạnh: “Khi có những vụ việc họ đến cầu cứu thì mình phải biết liên hệ với ai? Ví dụ: 111 là đường dây nóng về trẻ em. 113 là Công an hoặc Hội Bảo vệ Trẻ em là 18009069. Thứ hai là phải làm đơn tố cáo và đưa các em lên giám định liền. Khi giám định mình mới giữ lại các chứng cứ. Xâm hại, bạo hành đều phải có giám định. Phải làm sao cho chị em hiểu bạo hành không phải chuyện của mình mà là chuyện của trẻ em. Trẻ em mà sống trong môi trường chứng kiến bạo hành như vậy, khi ra đời trẻ sẽ uất ức...trẻ mang nặng cái nỗi bạo hành”.

Chia sẻ kinh nghiệm “Bảo vệ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục” 3
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ phát biểu

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN Quận 11 cho biết, bạo hành trẻ em xảy ra dưới nhiều nhiều hình thức: thể xác, tình dục, tinh thần… còn xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử. Nguyên nhân là do nhận thức xã hội về sự nguy hại của các vụ việc còn hạn chế, vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ. “Về kiến thức phòng chống xâm hại và bạo lực trẻ em được hội tổ chức thường xuyên, mỗi chuyên đề có một ý nghĩa đặc biệt riêng để qua những kiến thức thực tế, sinh động thì chị em có một kiến thức cơ bản để đi tuyên truyền, vận động cho người dân cùng nhau chung tay phòng chống xâm hại, bạo hành trẻ em ở trong gia đình”, bà Thuỷ nói.