Tri ân các lực lượng có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19

(VOH) - Sáng 16/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tri ân 31 tập thể và 49 cá nhân đã đồng hành cùng với Hội có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM trân trọng cảm ơn và tri ân các tập thể doanh nghiệp, các cá nhân đã cùng đồng hành với Hội LHPN Thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Hội LHPN TPHCM tri ân các lực lượng có đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch 1
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM trao thư cảm ơn và biểu trưng cho các mạnh thường quân và các tình nguyện viên có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch

Thời gian qua, ngoài việc vận động các nữ chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng trọ cho công nhân lao động. Hội còn tổ chức tốt các mô hình trao yêu thương kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với bà con có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Mô hình“Bếp cơm nghĩa tình”, “Bếp nhỏ Hội em”... nấu ăn tại địa phương để hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Thực hiện Chương trình “Đồng hành vượt cạn” giúp 1.000 thai phụ vượt cạn an toàn. Chương trình “Vòng tay yêu thương” đỡ đầu chăm sóc 1.200 trẻ sơ sinh và trẻ mồ côi do Covid-19. Và chương trình “Nối nhịp sống - Chở yêu thương” hỗ trợ đưa bệnh nhân đã được điều trị covid về nhà... “

Hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục các chương trình “Vòng tay yêu thương” hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn hoặc có cha, mẹ mất do Covid-19 và chương trình “Nối nhịp sống, chở yêu thương” hỗ trợ đưa các bệnh nhân sau điều trị Covid-19 trở về nhà một cách an toàn. Ngoài ra, còn hỗ trợ chương trình “Giọt sữa yêu thương” hỗ trợ cho ngân hàng sữa tại Bệnh viện Từ Dũ. Với tinh thần “khẩn trương - trách nhiệm - chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”, tính đến nay, toàn hệ thống Hội đã vận động, chăm lo cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, trẻ em và người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 500 tỷ đồng”, bà Trân cho biết thêm.

Là một trong số những tài xế tham gia đưa đón bệnh nhân F0 sau khi điều trị khỏi bệnh về nhà, Luật sư Cồ Lê Huy – Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, trong đợt dịch Covid-19, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đã vận động nhiều luật sư cùng tham gia chuyến xe nghĩa tình đưa các bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện điều trị Covid-19 đủ điều kiện xuất viện về nhà. Mỗi ngày, sau khi nhận được thông báo về bệnh nhân xuất viện, anh sẽ chuẩn bị đồ bảo hộ, phun khử khuẩn và lái xe đến bệnh viện để đón các bệnh nhân.“Thời điểm TP mình thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường, siết chặt giãn cách thì việc đi lại của bà con rất khó khăn. Lúc đó anh em luật sư chúng tôi đến các bệnh viện để đón các bệnh nhân về nhà trong thời gian 2 tháng và thấy việc làm của mình đã giúp đỡ được nhiều người và cảm thấy rất vui vì mình làm được việc rất có ý nghĩa”, ông Huy kể.

Tương tự, là cá nhân được tri ân lần này, bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết, ngoài việc kêu gọi tình nguyện viên chở F0 khỏi bệnh về nhà được triển khai từ ngày 31/7. Các tài xế là các luật sư của Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM và tài xế lái xe ở Hội LHPN TPHCM đăng ký tham gia thì bản thân bà suốt thời gian qua cũng tham gia vận động các mạnh thường quân hỗ trợ chăm lo cho trẻ mồ côi, hỗ trợ các em về mặt pháp lý: “Ngoài vấn đề có 1 đội xe kết hợp với Hội LHPN để chở bệnh nhân F0 về nhà thì chúng tôi thấy còn có những vấn đề như là các em mồ côi thì chúng tôi phải giúp đỡ cho các em đó. Trước hết phải xem hiện nay các em đang sinh sống ra sao. Ví dụ các em đang học thì các em có cần máy tính bảng để hỗ trợ học trực tuyến. Còn những em còn quá nhỏ mà không có cha, mẹ thì có người giám hộ hay không? Nếu không có thì chúng tôi phải tìm một nơi an toàn cho các em ở”.

Còn bảo mẫu Trần Minh Trang, một hướng dẫn viên du lịch trẻ trung kể, khi nhận được thông tin Hội LHPN Thành phố kêu gọi các tình nguyện viên đến chăm sóc cho các bé sơ sinh có mẹ là F0, chị không ngần ngại tham gia ngay, bản thân chị cũng mới lập gia đình và chưa có em bé nên việc chăm sóc trẻ sơ sinh ban đầu khá vụng về, nhưng nhờ các chị điều dưỡng của Bệnh viện Hùng Vương cũng như các chị có kinh nghiệm chỉ dẫn, dần dần chị đã thuần thục. Chị Trang cho biết: “Mấy bé có mẹ F0 tụi em rất thương, các con còn nhỏ xíu mà đã phải xa mẹ, không được gần mẹ, cho nên dù có cực đến mấy thì tụi em cũng cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được chăm các con và cảm giác rất hạnh phúc khi gi đình đến đón các con về.  Tuy nhiên, cũng có những bé có mẹ mất vì Covid-19, em rất xúc động và thương các con mới sinh ra đã không còn mẹ nữa, rồi có những bé đã 2, 3 tháng tuổi mà vẫn chưa được gia đình đón về”.