Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, đầu năm 2019. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói thêm về phương án sáp nhập sở, ngành.
Sau một ngày thảo luận, đã có 52 đại biểu phát biểu ý kiến, 4 đại biểu tham gia tranh luận, vẫn còn 42 đại biểu đăng ký chờ phát biểu.
Chiều 30/5, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Việc kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ theo chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Trong 3 năm qua, chỉ số tiêu dùng CPI luôn được kiểm soát dưới 4%, đây là một điểm sáng trong bức tranh điều hành kinh tế vĩ mô. Thời gian tới, để kiên trì mục tiêu từ 3,3 – 3,9% CPI, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết dự kiến Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường là giá để có giải pháp bình ổn, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu và khó lường như là giá điện, giá xăng dầu, giá gas và một số mặt hàng có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng.
Tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp của điều chỉnh giá điện. Tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới và có sử dụng công cụ bình ổn giá là Quỹ Bình ổn để bảo đảm bình ổn theo mục tiêu. Tôi rất đồng tình với các đại biểu là cần phải có công khai minh bạch các chi phí đầu vào, tạo được niềm tin cho người dân, cho doanh nghiệp, và xử lý nghiêm những sai phạm trong quá trình thực hiện các chủ trương chính sách của Chính phủ.
Hình minh họa: P Nguyệt
Giải trình về nguyên nhân và thời điểm tăng giá điện, biểu giá điện và việc kiểm soát chi phí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay: Tổng chi phí đầu vào của ngành điện năm 2019 dự kiến tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng. Để đảm bảo bù đắp và có lợi nhuận tối thiểu cho ngành điện là 3%, Tập đoàn Điện lực và Bộ Công Thương đã đề xuất 3 kịch bản là 7,31%; 8,36% và 9,26%. Trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt, xem xét rất kỹ, Chính phủ đã kết luận sẽ chọn phương án 8,36%, điều chỉnh vào từ khoảng 15 – 30/3. Lý do là CPI sau khi thường tăng mạnh trong tháng 1, tháng 2 thì sẽ giảm trong tháng 3. Và thực tế trong 10 lần điều chỉnh giá điện thì chúng ta đã có 4 lần điều chỉnh trong tháng 3.
Tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, đầu năm 2019, sáng 31/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham gia làm rõ các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.