Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế Thành phố khi nào đi vào hoạt động?

(VOH) – Việc hình thành Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết, giải quyết nhu cầu thuốc cho các bệnh viện vốn đang thiếu hụt.

Sau khi nghe Sở Y tế TPHCM trình bày đề án thành lập Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế Thành phố và các ý kiến đóng góp của các sở, ngành có liên quan, theo kế hoạch dự kiến, đề án Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế sẽ được Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét phê duyệt trong tháng 7/2022 sau khi được Sở Nội vụ thẩm định.

Việc hình thành Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế trong bối cảnh hiện nay là rất cấp thiết. Trước tiên, sẽ giúp các bệnh viện khắc phục những điểm yếu của việc đấu thầu riêng lẻ, và hơn thế nữa đó là giải quyết được kịp thời những yêu cầu cấp bách như thiếu thuốc, thiếu hóa chất vật tư hay trang thiết bị y tế máy móc cần thiết trong công tác điều trị người bệnh. Liên quan đến nội dung này, phóng viên VOH đã có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh: 

Lý do thành lập trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh

*VOH: Thưa ông, trên địa bàn TPHCM, việc thành lập trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế xuất phát từ yêu cầu thực tiễn như thế nào?

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng: Rất nhiều thực tiễn của Thành phố để từ cơ sở đó hình thành trung tâm mua sắm tập trung. Thứ nhất là Thành phố có nhiều bệnh viện quy mô khác nhau, chuyên khoa khác nhau. Khi mà mua sắm, ví dụ như thuốc thì các bệnh viện nhỏ rất khó khăn trong mua sắm vì mua với số lượng ít, nhưng vẫn cần một số thuốc đặc biệt thì chưa chắc mua được với giá giống như bệnh viện lớn vì mua số lượng ít nhiều khi cũng khó mua. Vấn đề này cũng khá phổ biến.

Thứ hai là giá cả, thực tiễn thì mua sắm ở những thời điểm khác nhau thì giá sẽ khác nhau nhưng về phía bảo hiểm xã hội sẽ không đồng ý, họ lập luận cũng đúng là tại sao cùng một loại thuốc thì giá khác nhau, mà bệnh viện cũng không sai tại vì họ đấu thầu ở thời điểm khác nhau thôi. Thứ ba là tính chuyên nghiệp trong mua sắm tại các bệnh viện, cho dù gì thì bệnh viện cũng khó đạt được tính chuyên nghiệp vì bệnh viện thường chỉ tập trung ưu tiên đầu tư cho chuyên môn, cho chăm sóc người bệnh, ít đầu tư nhân lực cho công tác mua sắm. Đó là thực tiễn để ngành y tế rất cần một trung tâm mua sắm tập trung ra đời.

*VOH: Thưa ông, sau khi được Ủy ban nhân dân Thành phố chấp nhận phê duyệt trong tháng 7 này thì việc thí điểm thành lập trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế, ông hướng đến tính ưu việt cũng như tính hiệu quả từ trung tâm này như thế nào?

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng: Đối với mua sắm của ngành y tế thì rất nhiều, do đó, việc chúng tôi xác định có những lộ trình ưu tiên khác nhau và điều này cũng được lãnh đạo Thành phố cũng đồng ý. Trước hết mua sắm thuốc là đầu tiên, vì thuốc là cái cần nhất. Khi hoạt động mua sắm thuốc ổn định rồi thì những năm sau từng bước sẽ mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị. Rồi trong vật tư y tế hàng nghìn loại thì chọn cái nào để mua sắm tập trung chứ không phải là mua tất cả.

Các tiêu chí mua sắm đưa ra thứ nhất là phải đảm bảo cung ứng kịp thời đảm bảo không hết thuốc đột ngột. Hai là giá hợp lý nhất. Chúng tôi không dùng chữ rẻ nhất mà phải là hợp lý nhất. Và thứ ba là thuốc có chất lượng, không thể nào quy đồng thuốc rẻ nhất mà chất lượng nhất cái đó rất khó, giá hợp lý nhưng thuốc có chất lượng và phải đáp ứng nhu cầu công tác khám chữa bệnh của các bệnh viện. Và quan trọng đó là phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về mua sắm. Thực tiễn cho thấy, lỗi chủ quan có, khách quan có nhưng làm thế nào có được một trung tâm chuyên nghiệp, từng bước, từng bước… khắc phục đến mức thấp nhất các lỗi có thể mắc phải trong quá trình mua sắm theo hướng dẫn của các bộ ngành đó là mục tiêu hướng đến.

*VOH: Theo ông, để trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế hoạt động hiệu quả thì nguồn nhân sự sẽ được Sở Y tế điều phối như thế nào vì chính các vị chuyên gia có chuyên môn sẽ góp phần rất quan trọng để khi trung tâm đi vào hoạt động đúng như kỳ vọng?

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng: Khi quyết định thành lập trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế thì bài toán khó nhất là nhân lực, bởi vì theo tinh thần mới hiện nay của Chính phủ, khi thành lập trung tâm hoặc đơn vị sự nghiệp thì hạn chế phát sinh thêm về nhân lực. Do vậy ngành y tế sẽ huy động tối đa các chuyên gia đến từ các lĩnh vực khác nhau như chuyên khoa sản, nhi, ung bướu v.v… Các chuyên gia sẽ đưa ra một danh mục thuốc cần đấu thầu tập trung, rồi chuyên gia về trang thiết bị sẽ xác định loại thiết bị cần tính năng gì để tạo sự cạnh tranh trong đấu thầu, mua sắm. Rồi chuyên gia về luật pháp, về tài chính … Các chuyên gia này sẽ không phải là thường trực trong hội đồng mua sắm.

Loại hình nhân lực thứ hai là chúng tôi sẽ biệt phái. Từng bệnh viện sẽ cử nhân sự thuộc các lĩnh vực như tài chính kế toán, dược sĩ, kỹ sư, bác sĩ chuyên công tác mua sắm của bệnh viện đến trung tâm này biệt phái, sau một thời gian sẽ quay về lại bệnh viện. Thời gian đầu chúng tôi sẽ chọn các cán bộ có kinh nghiệm để biệt phái trước, và cũng để tham gia công tác đào tạo huấn luyện.

Nhóm nhân lực thứ ba là bộ khung chuyên trách của trung tâm mua sắm. Bộ khung này từ hai mươi đến ba mươi người, được chọn từ các bệnh viện. Là những cán bộ có trình độ, có đạo đức tốt, có nhiều kinh nghiệm trong công tác mua sắm của các bệnh viện để làm bộ khung. Đó là kế hoạch dự kiến ban đầu về nhân lực của trung tâm mua sắm.

*VOH: Thưa ông, làm sao chúng ta cân đối hài hòa giữa việc không tránh lãng phí và cũng không để các bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc. Đây cũng là bài toán khó khăn trên thực tế?

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng: Thì điểm lợi của trung tâm mua sắm chính là giảm lãng phí. Bởi vì khi mua sắm thuốc mình không thể nào chủ động được, có những thời điểm mình dự kiến mua thuốc này nhiều nhưng bệnh khác lại phát sinh rồi thuốc cho bệnh này lại không xài hết. Nhưng trong khi đó, một bệnh viện khác đã xài hết thuốc mà không có thì lập tức trung tâm này sẽ điều phối cơ số thuốc này sang ngay lập tức. Như tôi nói, trung tâm này có chức năng mua sắm, nhưng chức năng điều phối sau mua sắm cũng không kém phần quan trọng. 

Xin cảm ơn ông rất nhiều qua cuộc phỏng vấn vừa rồi!