Đoàn phương tiện hoạt động trên 05 tuyến xe buýt nêu trên đều là phương tiện sử dụng năng lượng sạch không phát khí thải ra môi trường và hạn chế được tiếng ồn của động cơ, phù hợp với mục tiêu phát triển thành phố văn minh, hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.
Dự kiến ngày 8/3/2022, tuyến xe buýt đầu tiên từ Vinhome Grand Park đến Bến xe buýt Sài Gòn tại Công viên 23/9 sẽ được khai trương, và chính thức đi vào vận hành từ 9/3. Phóng viên VOH có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM xung quanh việc khai trương tuyến xe buýt điện đầu tiên này.
* VOH: Mới đây, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương thí điểm 5 tuyến xe buýt điện trên địa bàn thành phố kể từ quý 1/2022 và được biết là trong thời gian ngắn tới đây thì tuyến xe buýt điện đầu tiên sẽ đi vào hoạt động. Ông cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị vận hành tuyến xe buýt điện này được triển khai như thế nào?
- Ông Lê Hoàn: Đến nay, công tác chuẩn bị vận hành tuyến xe buýt điện kể từ ngày 9/3 cũng đã hoàn thành cụ thể. Chúng tôi phối hợp với Công ty Vinbus để đầu tư 15 xe buýt điện chạy trên tuyến này. Thứ hai, cơ sở hạ tầng để hoạt động trên tuyến thì cũng đã hoàn thành với 51 điểm dừng của hai lượt đi và lượt về. Hiện nay các thủ tục đã hoàn thành và hiện nay thì công ty Vinbus báo cáo cũng đã hoàn thành và lực lượng lái xe, tiếp viên trên xe cũng đã sẵn sàng phục vụ.
* VOH: So với các tuyến xe buýt mà chúng ta đang khai thác thì tuyến xe buýt điện đầu tiên này có những tiện ích và ưu điểm ra sao?
- Ông Lê Hoàn: Đây là xe buýt điện nên thân thiện môi trường. Xe buýt điện có ưu điểm là hoạt động và tiếng ồn thấp, hầu như là rất là êm ái. Trên xe cũng không có mùi liên quan đến nhiên liệu. Một lần nạp có thể chạy vào khoảng từ 280 cho đến 300 km/ngày.
Hiện nay, thiết bị tiện ích trên xe được trang bị đầy đủ hệ thống màn LED để tín hiệu thông tin, trạm dừng, thiết bị rao trạm cũng như là hệ thống thẻ vé điện tử. Và đặc biệt xe buýt điện do Vinbus đầu tư có khả năng tiếp cận người khuyết tật rất tốt. Việc nâng hạ gầm và có khả năng xe sẽ nghiêng qua một bên để có dốc hỗ trợ cho xe lăn khi người khuyết tật đi trên tuyến.
Đây là tính năng được bổ sung và nâng cao sự an toàn cho người khuyết tật đi xe tuyến xe buýt này trong thời gian tới. Ngoài ra thì hiện nay là trung tâm cũng đang phối hợp với Vinbus để trang bị hệ thống máy tính và giám sát bằng camera. Trên xe sắp tới là có phương tiện đầy đủ, tiện nghi cho người dân TPHCM, Thủ Đức về Công viên 23/9 rất tốt.
* VOH: Về tần suất hoạt động, chính sách giá vé của tuyến xe buýt điện này như thế nào, thưa ông?
- Ông Lê Hoàn: Hiện nay, trong giai đoạn đầu hoạt động xe hoạt động từ 5 giờ cho tới 8 giờ tối. Đối với tuyến xe buýt xuất phát từ bến xe buýt Sài Gòn thì thời gian từ 5 giờ 30 cho đến 21 giờ 15. Như vậy, xe buýt điện TPHCM có thời gian hoạt động tương đối dài, từ 5 giờ cho tới 21h15, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Bình quân hiện nay trong giai đoạn đầu các chuyến xe sẽ giãn cách 20 phút/chuyến. Giá vé cũng tương tự xe buýt đang hoạt động trên địa bàn TPHCM, hành khách đi vé lượt thì 7.000 đồng/lượt, học sinh sinh viên là 3.000 đồng/lượt. Vé tập bán trước là 157.500 một tập 30 vé. Chính sách giá vé này cũng tương tự như xe buýt đang hoạt động.
* VOH: Ngoài tuyến đầu tiên này thì lộ trình thực hiện đưa 4 tuyến còn lại khai thác ra sao, thưa ông?
- Ông Lê Hoàn: Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải cùng với Trung tâm đang làm việc với Công ty Vinbus. Theo kế hoạch sắp tới, trong quý IV để đưa vào hoạt động 4 xe buýt còn lại để lan tỏa tới các khu vực bến xe miền Đông, Emart ở Gò Vấp, sân bay Tân Sơn Nhất. Trong quý IV, 4 tuyến xe buýt điện còn lại sẽ vận hành.
* VOH: Việc khai trương tuyến xe buýt điện này đánh dấu bước phát triển mới trong vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường. Ông kỳ vọng loại xe buýt này sẽ mang đến hiệu quả như thế nào trong việc thu hút người dân lựa chọn phương tiện xe buýt?
- Ông Lê Hoàn: Hiện nay, chủ trương triển khai xe buýt sử dụng khí CNG hoặc xe điện đã được xác định rõ tại Nghị quyết của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ thứ 11, với mục tiêu cụ thể, xây dựng giải pháp mang tính chất đột phá để nâng cao chất lượng vận tải công cộng, kiểm soát được những phương tiện cá nhân và lộ trình bằng xe buýt, ô tô điện trên địa bàn TPHCM. Với chủ trương chung như vậy, hiện nay Sở Giao thông Vận tải cùng với Trung tâm đang tập trung xây dựng các tuyến xe buýt thân thiện với môi trường và đặc biệt là cam kết về mặt phục vụ rất tốt.
Đây cũng là một hình ảnh mới của những đơn vị vận tải mới để cung cấp cho người dân loại hình giao thông công cộng trong tương lai.
* VOH: Cám ơn ông!