Vai trò của TPHCM trong phát triển đô thị vùng Nam Bộ

(VOH) - Sáng 8/12, Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ tổ chức hội thảo khoa học ”Đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững vùng Đông Nam bộ: lý luận, thực tiễn và đối thoại chính sách”.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đã khẳng định, vùng Nam Bộ có vai trò rất quan trọng đối với cả nước, với nhiều nguồn lực phát triển cả về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thủy sản đến sản xuất công nghiệp.

Đây cũng là vùng có dân số đô thị cao nhất cả nước vì gắn kết với tốc độ đô thị hóa và việc hình thành các khu công nghiệp ở các TP.

Khi nói đến vùng Nam Bộ thì không thể không nói đến vai trò của TPHCM trong phát triển đô thị vùng. Dù dân số chỉ chiếm 9% so với toàn vùng nhưng lại là nơi có nguồn nhân lực lớn, số lượng doanh nghiệp chiếm tới 69% và thu hút vốn đầu tư rất lớn. 

Ngoài vai trò là trung tâm thương mại, du lịch, tài chính, giao dịch quốc tế thì TPHCM còn là trung tâm về giao thông vận tải, giáo dục, y tế cho cả vùng. Cũng chính vì vai trò quan trọng này mà sự phát triển của TPHCM cũng đã tác động sâu sắc đến sự phát triển cả vùng, đặc biệt là khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho sự phát triển của TPHCM.

Các nhà khoa học chia sẻ tại hội thảo.

Như vậy, yêu cầu đặt ra là trình độ quản lý đô thị để khai thác tốt nguồn lực của các đô thị trong toàn vùng. Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Thanh Sang - Viện Trưởng Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ phân tích cần tạo sự hợp tác, liên kết giữa TPHCM với các đô thị khác trong vùng. Những đô thị này có chức năng bổ sung lẫn nhau thay vì có chức năng chồng lấn, cạnh tranh lẫn nhau.

TPHCM và các đô thị sẽ chuyên môn hóa ở những lĩnh vực cụ thể, để phát huy tối ưu tiềm lực của các đô thị cũng như hệ thống đô thị.