Chờ...

Vì sao giá xăng giảm sâu, nhưng giá hàng hoá tại TPHCM chậm giảm?

(VOH) - Sáng nay 4/8, Chủ tịch UBND Thành phố - Phan Văn Mãi chủ trì Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội Thành phố tháng 7 và 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp tháng 8 năm 2022.

Theo đánh giá từ cuộc họp cho thấy, một số ngành kinh tế như thương mại dịch vụ của TPHCM đang có xu hướng chững lại.

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 100.320 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng gần 140% so với cùng kỳ. Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 7 trên địa bàn duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ đầu năm, không biến động nhiều so với tháng trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 656.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Quang cảnh Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội Thành phố tháng 7 và 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp tháng 8 năm 2022
Quang cảnh Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội Thành phố tháng 7 và 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp tháng 8 năm 2022

Thành phố cũng triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình Bình ổn thị trường năm 2022, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của thành phố với nguồn hàng tại các địa phương nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường. Đối với vấn đề về giá xăng dầu giảm nhưng hàng hóa không giảm, Giám đốc Sở Công thương TP Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: “Việc giá xăng dầu giảm sẽ là điều kiện để điều chỉnh, tuy nhiên, về thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu hay các nguyên liệu khác đều tăng rất nhanh trong hai năm qua, do đó ảnh hưởng đến việc tăng giá chung, do đó việc các doanh nghiệp đang điều chỉnh để tiết giảm các chi phí giá thành không chỉ là vấn đề của người tiêu dùng mà chính là các doanh nghiệp đang rất quan tâm”.

Liên quan đến vấn đề về giá, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi phân tích: “Tại sao giá xăng giảm, nhưng giá hàng hóa không giảm, vấn đề này chúng ta cần có phân tích đồng bộ. Câu chuyện của giá là tác động của giá ở quý 3, và những tháng cuối năm đến sản xuất kinh doanh, đời sống. Từ đây, chúng ta có những giải pháp. Trung ương đánh giá Thành phố rất tốt ở lĩnh vực bình ổn giá. Sớm chủ động nhận diện vấn đề để có giải pháp trong quý 3 và những tháng cuối năm cần tính toán như thế nào. Thường những tác động này ở TPHCM có độ trễ…”.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 25 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước đạt gần 39 tỷ đô la Mỹ. Đáng chú ý, lĩnh vực du lịch có tổng doanh thu trong tháng ước đạt 10.698 tỷ đồng, tăng 9.543 tỷ đồng so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TPHCM ước đạt hơn 2 triệu lượt; Khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt hơn 287.600 lượt. Tính chung 7 tháng, tổng doanh thu ước đạt hơn 60.300 tỷ đồng, tăng gần 58% so với cùng kỳ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du Lịch Thành phố cho hay: “Việc triển khai chương trình trọng điểm như là chiến lược phát triển du lịch TPHCM và đề án du lịch thông minh. Đề án này cũng đã được ghi vốn giai đoạn 1 trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đảm bảo theo tiến độ để có thể xây dựng đề án chuyển đổi số. Thứ hai, sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn Thành phố mà trọng tâm là sẽ phát triển mỗi quận, huyện sẽ có một sản phẩm du lịch đặc trưng”.

TPHCM xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế. Tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 0,9% so với tháng trước, tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng đầu năm, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,7% so với cùng kỳ.

Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu 7 tháng ước tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành sản xuất hàng điện tử ước giảm hơn 4%, chủ yếu do giảm sản lượng mặt hàng điện tử dân dụng, thiết bị dây dẫn; Ngành hóa dược - cao su - nhựa ước tăng gần 23%; Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước tăng gần 19%; Ngành cơ khí ước tăng 3%...

Về sản xuất thương mại dịch vụ có dấu hiệu chững lại. Một số ngành như điện, điện tử là chưa phục hồi như mong đợi trong khi xuất hiện thêm một số yếu tố mới làm chậm quá trình phục hồi. Thành phố cũng đã gặp gỡ các doanh nghiệp để tháo gỡ, nhưng về lâu dài. Thứ hai, giá cả nguyên liệu khan hiếm cũng dẫn đến đầu vào cũng khó khăn… Do đó, chúng ta cần theo dõi sát để có giải pháp phù hợp”, Chủ tịch UBND Thành phố - Phan Văn Mãi nhận định.