Rác vẫn xuất hiện bên ngoài dù có thùng rác kế bên.
Ý thức của người dân kém?
Theo ghi nhận ý kiến của nhiều người dân cho thấy ở nhiều bờ tường, gốc cây, cột đèn vẫn là nhà vệ sinh công cộng; không ít cống rãnh bị tắc nghẽn bởi những người thiếu ý thức, vô tư vứt rác xuống đường. Còn các thùng rác công cộng chỉ lắp đặt được một thời gian đã không còn.
"Chỗ khu phố của tôi có triển khai chương trình không vứt rác bừa bãi, mà thói quen của nhiều người, họ quăng trước cửa sân nhà đợi người lấy rác. Có thời gian thùng rác cũng có màu vàng và màu xanh để phân loại rác nhưng bị trộm, riết chỉ còn có một thùng duy nhất", một người dân cho hay.
Về Nghị định 155, ông Phạm Văn Phước, công nhân thu gom rác thải sinh hoạt khu vực quận 3 bức xúc: Có ai, lực lượng nào phạt đâu, với lại cũng khó, lấy gì làm bằng chứng, ai mà suốt ngày đi làm nhiệm vụ bắt quả tang khi người vi phạm diễn ra quá nhanh, nếu không có camera giám sát thì không thể có hình ảnh lưu lại, người vi phạm rất dễ chối.
"Phải có camera thì chúng ta mới nắm danh sách mình gửi về ủy ban, xác định người nào đi bỏ rác. Còn bây giờ nói miệng không, người ta nói nhà người ta không có rác thì mình phải làm sao?", ông Phước đề nghị.
Về vấn đề xử phạt người vi phạm, theo ông Nguyễn Khánh – Phòng địa chính xây dựng đô thị môi trường, phường 1, quận 3: đối với các điểm kinh doanh, ăn uống, vui chơi giải trí, lực lượng đô thị sẽ phối hợp với phòng kinh tế và công an để kiểm tra buộc các hộ kinh doanh phải ký cam kết, không được xả rác bừa bãi. Nếu không chấp hành, xả rác, chất thải ảnh hưởng đến môi trường xung quanh thì sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép và thực hiện thêm một số giải pháp.
"Đề xuất vừa xử phạt vừa chụp hình dán trên bản tin tổ dân phố. Đồng thời, mấy anh xe ôm ai mà chụp được hình bắt quả tang thì họ sẽ được thưởng tiền từ 100 đến 200 ngàn/vụ. Nói chung, ý thức về môi trường của nhiều người còn kém quá", ông Khánh nói.
Tình trạng vứt rác, ném tàn thuốc, đổ nước thải bừa bãi, cũng diễn ra hàng ngày trên nhiều tuyến đường nhất là những tiểu thương buôn bán ở các chợ, gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến văn minh đô thị cần phải được chấn chỉnh. Vì vậy, việc phạt tiền được nhiều người đồng tình.
Lúng túng trong xử phạt
Theo Luật sư Trương Thị Hòa, đoàn luật sự Thành phố Nghị định 155 dù có mức chế tài cao hơn quy định cũ nhưng việc phát hiện, xử phạt hành vi vứt rác cũng như tiểu tiện bậy không khả thi vì: "Có thể chế rồi nhưng không có thiết chế, mà hiện nay cũng chưa tuyên truyền việc đổ rác như vậy nữa. Cho nên có luật mà không biết làm thế nào cho người dân biết đến luật đó. Ví dụ, tổ dân phố sẽ thực hiện làm sao? Thực hiện và lập biên bản như thế nào? Chứ bây giờ cứ nói có quyền rồi không biết làm sao mà thực hiện. Mặc dù nói về luật chúng ta có rất nhiều, nhưng tính khả thi ít vì chi tiết thực hiện nó như thế nào lại không có, cho nên người làm cũng không biết làm sao vì sợ sai".
Thừa nhận địa phương còn lúng túng trong việc xử lý những sai phạm đối với các quy định trên. Ông Võ Đức Thanh, Phó chủ tịch UBND Quận 11 băn khoăn: xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi đã khó, xử phạt hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định càng không đơn giản. Nếu “bắt” được người vi phạm tại trận, cơ quan chức năng được quyền xử phạt tại chỗ, nhưng một khi người vi phạm không có tiền nộp phạt cũng chịu. Hơn nữa, lực lượng để đi tuần tra, giám sát lại còn thiếu. Vì vậy, quận 11 chủ yếu tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở để người dân ý thức hơn.
"Đối với hành vi của những người dân nhỏ lẻ thì hiện nay chưa tập trung vào đối tượng này mà tập trung vào việc rà soát, chấn chỉnh lại các thùng rác công cộng, nhà vệ sinh công cộng để nâng chất lượng phục vụ lên. Thùng rác nào hư thì lắp đặt lại để người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Còn các nhà vệ sinh công cộng của quận vừa rồi cũng có tình trạng vệ sinh còn kém thì cũng đã giao cho các đơn vị công ích tăng cường vệ sinh lại, nâng cao chất lượng phục vụ để người dân sử dụng", ông Thanh cho biết thêm.
Về tính khả thi của Nghị định này, PGS. Đinh Xuân Thắng – Phó Viện trưởng Viện môi trường và tài nguyên, nhìn nhận: việc đưa về phường rồi công an xử phạt thì cũng tốt nhưng công an phường không thể theo dõi việc này được. Và quan trọng là thực hiện Nghị định đó như thế nào? vì việc đi vệ sinh là nhu cầu, trong khi đó nhà vệ sinh công cộng lại rất ít, và việc quản lý chưa tốt.
"Nghị định 155 ý tưởng thì tốt vì cứ phạt nặng thì người ta sẽ giảm bớt. Nhưng ai giám sát? Ai phạt thì lại là vấn đề khác. Không lẽ bây giờ phải có một đội ngũ hóa trang, chuyên đi giám sát thì người đâu mà làm. Không có văn bản nào cụ thể cả. Ví dụ các nước khác, camera của họ nhiều và quan trọng là ý thức của người dân nên còn dễ. Chứ ở Việt Nam nhà phố cứ san sát thì lấy chỗ nào cho người ta đi. Camera giám sát cũng không có, vậy thì trong hang cùng ngõ hẻm, người ta muốn xả đâu thì xả. Ví dụ ở Anh thì người đi gom rác họ có quyền xử phạt những gia đình xả rác không đúng nơi quy định hoặc không phân loại rác tại nguồn sẽ bị phạt đến 50 bảng Anh", ông Thắng nói.
Để loại bỏ thói quen xả rác, tiểu bậy... không chỉ dừng ở việc xử phạt mà còn phải có nhiều biện pháp triển khai đồng bộ. Trước khi áp dụng một chế tài xử phạt theo quy định mới, cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi để chủ trương tới được với người dân trong thời gian dài. Sau đó lực lượng chức năng nhắc nhở người vi phạm lần đầu, hướng dẫn rồi mới áp dụng xử phạt. Sau đó, các cơ quan có chức năng, lực lượng đô thị tất cả các phường, xã thường xuyên tuần tra phát hiện vi phạm để xử lý ngay. Đồng thời vận động nhân dân tham gia quay phim, chụp ảnh hành vi vi phạm xả rác không đúng nơi quy định của người dân để gửi tới đơn vị có trách nhiệm xử phạt, có như vậy Luật mới có thể đi vào cuộc sống.