Đồng chí Trần Bạch Đằng, người gắn bó máu thịt với mảnh đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định - TPHCM

(VOH) - 9 năm sau ngày Nhà chính trị, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng mất, TPHCM kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (15/07/1926-15/07/2016).

Nghe bài viết:

Đất nước, quê hương và gia đình đã sinh ra Trần Bạch Đằng, mà chúng ta còn gọi bằng những cái tên quen thuộc, thân thương như Chú Tư Ánh, nhà thơ Hưởng Triều,… Đó là một người yêu nước mãnh liệt, một chiến sĩ cách mạng, một người Cộng sản kiên trung. Đây là sản phẩm đặc biệt, một trong những cán bộ lãnh đạo tuyệt vời của thời cuộc, của nhân dân qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm.

Dù sinh ra ở Rạch Giá, lớn lên ở Biên Hòa, nhưng đi làm Cách mạng ở Sài Gòn, cái “duyên” gắn bó ông Trần Bạch Đằng với vùng đất này cũng lạ kỳ không kém.

Ông Trần Bạch Đằng (ảnh chụp tháng 7/2005) - Ảnh minh họa: TTO

Theo gia phả, dòng họ Trương của ông từ Hà Tĩnh vào Quảng Ngãi, rồi dừng chân ở Gia Định, đó là khu Rạch Bần – Cầu Kho (nay thuộc quận 1), vị tổ đứng đầu trong gia phả là Trương Thùy Huy, mộ táng còn ở vùng Cầu Kho.

Trong Hồi ký của mình, ông Trần Bạch Đằng có nhắc lại, có 5 kiểu vào Sài Gòn với sự trân trọng và gắn bó sâu sắc. Thứ nhất là lên Sài Gòn khi còn nhỏ với gia đình. Thứ hai là cuối năm 1954, Ông từ khu 9 về bám trụ chiến đấu ở Sài Gòn. Thứ ba là ra vô Sài Gòn thường xuyên suốt thời chống Mỹ. Và thứ tư, là đợt chiến dịch Mậu Thân 1968, tham gia Bộ Chỉ huy Tiền phương cùng đồng chí Võ Văn Kiệt. Cuối cùng là về Sài Gòn trong mùa xuân đại thắng năm 1975.

Hoạt động cách mạng của ông Trần Bạch Đằng bắt đầu từ Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, nơi ông được kết nạp Đảng năm 1943. Ông sớm trở thành cán bộ nòng cốt của Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn – Gia Định. Chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám tại Sài Gòn, ông được phân công tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong; trong kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt giữ các chức vụ Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ, Phó ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ và sau đó là Trung ương Cục miền Nam,...

Trong giai đoạn chống Mỹ, từ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, ông Trần Bạch Đằng được phân công tham gia lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Thời kỳ này, ông rất quan tâm đến phong trào đô thị, trong đó có phong trào học sinh, sinh viên.

Trong quá trình lãnh đạo Thành Đoàn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông rất quan tâm đến công tác tư tưởng, huấn luyện, văn hóa, văn nghệ. Những năm 1971-1972, ngọn cờ công khai Tổng hội sinh viên Sài Gòn và Tổng đoàn học sinh Sài Gòn bị địch đánh phá ác liệt. Thành ủy chỉ đạo phải nhanh chóng thành lập các tổ chức bán công khai như Hiệp hội sinh viên Sài Gòn, Đoàn học sinh Sài Gòn, đã có một tuyên ngôn hiệu triệu rất thuyết phục được biết do đồng chí Tư Ánh trong căn cứ đã soạn thảo và gửi ra.

Cũng vào những năm này, Ban Thường vụ Thành Đoàn có 4 đồng chí bị địch bắt. Trong 1 lần làm việc với Thành Đoàn ở căn cứ, anh em đề nghị Thành ủy cử người về bổ sung lực lượng lãnh đạo bị thiếu hụt này, nhưng ông rất tin tưởng ở thanh niên, chỉ đạo Thành đoàn đưa cán bộ tại chỗ lên.

Sau ngày giải phóng, dù khi còn công tác hay đã nghỉ hưu, ông Trần Bạch Đằng vẫn luôn gắn bó với thanh niên. Nhiều công trình như Báo Tuổi trẻ, Nhà xuất bản Trẻ, tập sách "Thành Đoàn",...đều có dấu ấn của ông. Ông thường nói vui rằng "tôi là người thanh niên già". Câu nói chứa đựng nhiều điều cần suy ngẫm.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà chính trị, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng để lại cho đời vẫn chưa được kể hết. Vậy nhưng, những dấu ấn sâu đậm của ông trên mảnh đất này đủ để Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TPHCM rất đỗi tự hào. Thời gian sẽ xóa nhòa nhiều thứ, nhưng những tấm gương tiêu biểu một lòng vì nước vì dân như Trần Bạch Đằng, chắc chắn không bao giờ phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất Sài Gòn nói riêng, cả nước nói chung.