Kinh tế TP tiếp tục phát huy truyền thống đáng tự hào

(VOH) - Là một đô thị mới của xã hội phong kiến Đại Việt đang phát triển mở rộng về phương Nam, Sài Gòn – Gia Định xưa, cho đến trước khi chủ nghĩa thực dân xâm chiếm, đã mang đầy đủ hình dáng một dinh lũy phong kiến cổ truyền và truyền thống.

TPHCM luôn dẫn đầu trong sự nghiệp đổi mới và phát triển (Ảnh minh họa: Lan Hương)

Vùng đất này tuy vậy cũng chịu nhiều ảnh hưởng của bên ngoài. Đó cũng là cơ sở để củng cố phát triển chế độ phong kiến và biến Sài Gòn – Gia Định thành một đầu não của chế độ phong kiến triều Nguyễn ở phía nam, một trung tâm của miền Lục tỉnh.

Đến khi chuẩn bị bước vào thế kỷ XX, Sài Gòn và Nam Bộ trở thành thuộc địa của Pháp. Và ngay những năm đầu của thế kỷ XX, thực dân Pháp đã biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông”. Càng về sau này, nhất là khi Chợ Lớn tách khỏi Sài Gòn, các công trình quan trọng của TP như dinh Thống đốc, dinh toàn quyền được xây dựng, chỉ trong vài năm, bộ mặt Sài Gòn đã hoàn toàn thay đổi.

Nhìn lại một chặng đường dài như thế để thấy rằng, Sài Gòn – Gia Định – TPHCM trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của mình đều đi trước, dẫn đầu trong sự nghiệp đổi mới và phát triển.

TPHCM hôm nay, với chặng đường xây dựng, phát triển qua 41 năm giải phóng, 40 năm mang tên Bác Hồ kính yêu, 30 năm đổi mới, tiếp tục có những bước phát triển nhanh, liên tục dẫn đầu cả nước trong nhiều mặt. Trong đó, TP tự hào trở thành một trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn của cả miền, từ tam giác kinh tế trọng điểm, rồi tứ giác, thất giác và nay là bát giác vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang.

TPHCM hiện có 24 quận, huyện với dân số trên 8 triệu người, nếu tính cả lượng người nhập cư thì con số là trên 10 triệu. Gần đây, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Lại thêm kinh tế thế giới phục hồi chậm, khủng hoảng chính trị ở nhiều nơi, nhiều nước, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp…

Cùng với đó là những hạn chế vốn có của nền kinh tế nước ta và những khó khăn mới phát sinh đã ảnh hưởng đến sự phát triển của TPHCM. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, đồng lòng của người dân, Thành phố chúng ta tiếp tục nỗ lực vượt qua thách thức, từng bước khắc phục suy giảm kinh tế, phục hồi tăng trưởng.

Dù có những bước thăng trầm, TPHCM luôn khẳng định là một đô thị lớn nhất cả nước, vượt trội về nhiều mặt. Trong đó, đóng góp trên 20% cho quốc gia về Tổng sản phẩm quốc nội GDP, đóng góp khoảng 30% ngân sách quốc gia, là địa phương đi đầu cả nước về xóa đói, giảm nghèo.

Trong 5 năm gần đây, cơ cấu kinh tế của TPHCM đã chuyển dịch đúng định hướng, gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng với cơ cấu lại nền kinh tế, các nguồn lực xã hội được phát huy, góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tốc độ tăng trưởng của TP luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước, với mức chênh lệch từ 2,5 đến 3%. Cụ thể, năm 2015 vừa qua, tốc độ tăng GDP của cả nước gần 6,7% thì con số của riêng TPHCM là xấp xỉ 9,9%. Nếu tính bình quân giai đoạn 2011-2015 thì GDP cả nước tăng 5,9%/năm, trong khi đó, con số bình quân của TP cùng giai đoạn này là 9,7%/năm.

Trên đây chỉ là một trong những minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của kinh tế TP. Điều đó góp phần khẳng định thành tựu chung trong 30 năm đổi mới – chặng đường rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của TP mang tên Người.

Tuy vậy, vẫn cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong quá trình phát triển, TP chúng ta vẫn bộc lộ những hạn chế. Để thực hiện khát vọng vươn lên, xứng đáng với vị trí, vai trò là TP đi trước dẫn đầu và đặc biệt là xứng danh TP mang tên Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM phải phát huy hơn nữa tiềm năng, sức mạnh và vận hội của mình.

Với một lực lượng lãnh đạo đầy quyết tâm, tâm huyết, với sự đồng lòng chung sức, năng động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tin rằng TPHCM hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu đề ra.