Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tuyển sinh 2021: Trường Đại học Quốc tế mở thêm 2 ngành mới, tuyển sinh theo 6 phương thức

(VOH) - Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) vừa công bố thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2021. Năm nay, trường tuyển sinh thêm 2 ngành đào tạo mới là khoa học máy tính và quản lý xây dựng.

PGS.TS Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 của trường là 3.110 sinh viên, trong đó có 1.860 chỉ tiêu dành cho các ngành nhà trường cấp bằng và 1.250 chỉ tiêu chương trình liên kết. Năm nay, nhà trường mở thêm 2 ngành đào tạo mới là Khoa học máy tính và Quản lý xây dựng.

Trong số 6 phương thức tuyển sinh năm 2021, trường Đại học Quốc tế sử dụng trở lại phương thức xét tuyển thông qua Kỳ thi đánh giá năng lực của trường.

Năm 2020, trường Đại học Quốc tế tạm dừng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bởi trong năm 2020, học sinh THPT chỉ có khoảng 2 tháng để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Nhà trường cho biết, nếu tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực như các năm trước thì học sinh phải trải qua nhiều kỳ thi như kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi của trường và kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM. 

Kỳ thi đánh giá năng lực được trường Đại học Quốc tế tổ chức từ năm 2017 với mục tiêu hướng tới đánh giá năng lực dựa trên thế mạnh của thí sinh với nội dung đề thi gói gọn trong kiến thức chương trình THPT. Thí sinh sẽ dự thi môn bắt buộc là toán học và chọn một trong số các môn tự chọn gồm: Lý, Hóa, Sinh, tiếng Anh để xét tuyển trực tiếp vào các ngành của trường.

Tuyển sinh 2021, Trường Đại học Quốc tế, phương thức sản xuất
6 phương thức tuyển sinh của trường Đại học Quốc tế trong năm 2021

Dưới đây là 6 phương thức tuyển sinh của trường Đại học Quốc tế trong năm học 2021:

* Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021 (Chỉ tiêu: 40-60% tổng chỉ tiêu 2021).

Tiêu chí: xét tổng điểm của 03 môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia theo tổ hợp đăng ký xét tuyển.

* Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi các trường THPT theo quy định của ĐHQG (Chỉ tiêu: 5-15% tổng chỉ tiêu 2021).

Tiêu chí:

  • Sử dụng kết quả học tập bậc trung học phổ thông
  • Điểm trung bình 5 học kỳ THPT (2 học kỳ lớp 10, 2 học kỳ lớp 11, học kỳ 1 lớp 12) của tổ hợp xét tuyển do thí sinh đăng ký.

* Phương thức 3: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ và hướng dẫn công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Chỉ tiêu: 1% tổng chỉ tiêu 2021).

Tiêu chí: Thành tích của học sinh trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và Olympic Quốc tế, môn đạt giải phù hợp với ngành học đăng ký tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.

* Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực do Trường Đại học Quốc tế tổ chức (Chỉ tiêu: 20-50% tổng chỉ tiêu 2021).

Tiêu chí: Thí sinh thi 3 môn, gồm 2 môn bắt buộc (toán học, tư duy logic) và 1 môn tự chọn (chọn 1 trong 4 môn lý, hóa, sinh, tiếng Anh).

* Phương thức 5: Xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài (Chỉ tiêu: 5-10% tổng chỉ tiêu 2021).

* Phương thức 6: Xét tuyển dựa trên kết quả kì thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM năm 2021 (Chỉ tiêu: 10-30% tổng chỉ tiêu 2021).

Thí sinh tham dự bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm.

Trường Đại học Quốc tế là trường đại học thành viên trực thuộc ĐHQG TPHCM, được thành lập vào tháng 12/2003. Đây là trường đại học công lập đa ngành đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Việt Nam sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Trường hiện có 20 chương trình đào tạo bậc Đại học, 08 chương trình bậc Thạc sĩ và 04 chương trình bậc Tiến sĩ. Sau 17 năm hình thành và phát triển, trường Đại học Quốc tế đã trở thành một trong những trường đại học công lập có uy tín trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam với 12 chương trình đào tạo đạt chuẩn đánh giá của Mạng lưới các trường Đai học Đông Nam Á (AUN-QA) và 02 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology - Tổ chức Kiểm định các chương trình Đào tạo Kỹ thuật – Công nghệ Hoa Kỳ).

Trường Đại học Quốc tế là cơ sở giáo dục đạt chất lượng kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET - 2016). Đặc biệt, trường Đại học Quốc tế là trường thứ 07 của khu vực Đông Nam Á đạt chuẩn đánh giá cấp cơ sở giáo dục của AUN-QA (2019).

Bình luận