Tỷ giá USD hôm nay 20/7/2021: Đồng USD tăng

(VOH) – Đồng đô la Mỹ sáng nay 20/7 tăng cao khi đại dịch COVID-19 quay lại làm mối quan tâm chính của giới đầu tư.

Tỷ giá USD thị trường trong nước

Cuối phiên trước 19/7, tỷ giá USD tại các ngân hàng phổ biến quanh mức 22.920 đồng/USD - 23.120 đồng/USD.

Ở phiên giao dịch hôm nay 20/7, tỷ giá USD thị trường trong nước tiếp tục ít biến động, hầu hết giữ nguyên. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.207 đồng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.975 đồng và bán ra ở mức 23.853 đồng.

Một số ngân hàng lớn trong nước niêm yết giá USD hôm nay:

Vietcombank: 22.890 đồng/USD và 23.120 đồng/USD.

Vietinbank: 22.925 đồng/USD và 23.125 đồng/USD.

ACB: 22.920 đồng/USD và 23.100 đồng/USD.

BIDV: 22.920 đồng/USD và 23.120 đồng/USD.

Tỷ giá usd
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Tỷ giá USD thị trường thế giới

Đồng USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh tiếp do giới đầu tư lo ngại đại dịch COVID-19 với chủng Delta lan rộng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế thế giới.

Sáng 20/7, chỉ số Dollar Index (DXY), theo dõi đồng bạc xanh so với rổ các tiền tệ khác đang ở mức 92,830.

Giá USD so với các ngoại tệ khác sáng nay hiện đứng ở mức:

1 euro đổi 1,1793 USD.

1 bảng Anh đổi 1,3668 USD.

1 USD đổi 109,52 yên.

Chuyên gia nhận định về giá USD

Đồng đô la được hưởng lợi từ tâm lý ngại rủi ro trên thị trường toàn cầu, với chỉ số DXY với các đồng tiền ngang giá đạt mức cao nhất kể từ ngày 5/4. Đồng bạc xanh cũng được hưởng lợi từ sự phân hóa trong lợi suất thực xuyên Đại Tây Dương.

Lợi suất trái phiếu liên quan đến lạm phát 10 năm của Đức đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm vào thứ Hai do lo ngại rằng biến thể Delta COVID-19 đang hồi sinh sẽ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế và ảnh hưởng nặng hơn đến lạm phát của khu vực đồng euro.

Nhà chiến lược tiền tệ cấp cao Rodrigo Catril của National Bank of Australia cho biết: “Thị trường đang thực sự giao dịch dựa trên sự không chắc chắn xung quanh COVID-19”.

Ông nói thêm: “Đó là yếu tố chi phối, trong khi tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm bất ngờ cũng khiến các nhà đầu tư bất an”.

Không có dữ liệu kinh tế đáng kể nào cho đến khi các chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ được phát hành tại Mỹ vào thứ Sáu, COVID-19 có thể sẽ vẫn là trọng tâm đối với các nhà đầu tư cho đến lúc đó.